Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, đi qua Long An, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng. Khởi công năm 2014, công trình dự kiến hoàn thành sau 5 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án mới đạt khoảng 80% khối lượng. Mới đây, kiểm tra tuyến cao tốc này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng tiến độ thi công quá chậm, gây lãng phí.
Được biết, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sử dụng 3 nguồn vốn, gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Dự án có 11 gói thầu xây lắp chính.
Tới thời điểm hiện tại, công trường cao tốc đoạn giao nhau với quốc lộ 50, huyện Bình Chánh (TPHCM) vẫn dang dở, đã dừng lại từ 3 năm nay. 2 cầu dẫn từ tuyến quốc lộ lên cao tốc nằm trơ trọi, nhiều đoạn bê-tông xám xịt vì phơi nắng mưa lâu ngày. Đáng chú ý, nhiều đoạn máy móc, vật liệu thi công nằm ngổn ngang, cỏ dại phủ kín.
Đây là công trình trọng điểm nhận được rất nhiều sự quan tâm từ Chính phủ cũng như các tỉnh/thành phố trong khu vực. Đặc biệt là các doanh nghiệp, người dân có thể nói là rất sốt ruột.
Từ trước tới nay, chậm trễ của các tuyến cao tốc, những tuyến giao thông quan trọng có nhiều nguyên nhân, nổi lên hơn cả là nguyên nhân chậm trễ trong giải phóng mặt bằng và thiếu nguyên liệu xây đắp. Riêng với cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm tiến độ lại là do trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc về vốn đầu tư dẫn đến dừng thi công từ giữa năm 2019 đến nay.
Đây là vấn đề cần được tháo gỡ ngay. Được biết, để giải quyết khó khăn, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Thủ tướng lùi thời gian hoàn thành đến tháng 9/2025 (khoảng 1,5 năm so với dự kiến); đồng thời điều chỉnh cơ chế tài chính với từng nguồn vốn ở dự án. Trong đó, cho phép Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) dùng hơn 5.100 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ, cùng vốn hợp pháp của đơn vị này để hoàn thành dự án. Số tiền trên bao gồm 758 tỷ đồng vốn đối ứng; hơn 4.350 tỷ đồng để thi công xong các hạng mục còn lại, gồm đoạn phía Tây (hơn 1.770 tỷ đồng), phía Đông (800 tỷ đồng); nút giao quốc lộ 51 (1.100 tỷ đồng)...
Tuy nhiên, đề xuất trên chưa được Bộ Tài chính đồng thuận vì lý do nguồn thu phí VEC quản lý là dòng tiền tạm thời nhàn rỗi, chưa trả nợ cho nhà nước. Đây là nguồn sở hữu của nhà nước, không phải của VEC nên đơn vị này tự bố trí cho dự án sẽ không phù hợp.
Đây là một nút thắt cần sớm được các cơ quan liên quan phối hợp tháo gỡ. Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo tiến độ thì có thể sử dụng vốn của VEC; không nên để công trình phải lùi lại, giậm chân tại chỗ, “phơi nắng phơi sương” suốt 3 năm qua. Càng dừng thi công thì càng lãng phí. Tuyến đường không thông thì lại thêm một lần lãng phí, có nghĩa là lãng phí kép.
Để đất nước tăng tốc phát triển thì hệ thống giao thông hiện đại, trong đó có đường cao tốc phải được ưu tiên đầu tư. Đều là những công trình lớn nên vướng mắc trong quá trình thi công là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, gặp khó thì cần chủ động phương án gỡ khó. Trong 3 nút thắt là vốn - giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư - vật liệu xây dựng thì nút thắt vốn không phải khó nhất vì đã có kế hoạch từ trước. Vì thế, không lẽ gì cao tốc Bến Lức - Long Thành chỉ dài chưa tới 60 km mà khởi công ngót 10 năm vẫn chưa xong.
Cũng cần lưu ý, hiện TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận đang triển khai tuyến đường Vành đai 3 (dài 76km), Vành đai 4 (dài 197,6km), với nhiều phức tạp phải giải quyết. Nếu như cũng lại “bó tay” trước khó khăn phát sinh, rồi lại kéo dài thời gian thi công thì sẽ ra sao. Không lẽ cao tốc lại thành “thấp tốc”?
Phải biết sốt ruột, biết xót tiền của, biết lo cho sự phát triển chung của đất nước. Và cũng phải dám chịu trách nhiệm, phải có cái dũng của người không sợ sai. Để kết lại bài viết này, xin được nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 21/5/2021 tại cuộc họp về chủ trương xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030; Đó là “qua sông bắc cầu, qua ruộng đổ đất, qua núi khoét núi” làm cao tốc. Vậy, còn lo ngại điều gì?