Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 235 ngày 14/3/2023 thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. So với năm 2022, thì việc thành lập các Tổ công tác của Chính phủ sớm hơn (Quyết định số 548 ngày 2/5/2022). Điều đó cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công trong năm nay, một năm được cho là nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
T rước hết, xin đưa ra một vài con số. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính (ngày 6/3/2023), ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong 2 tháng đầu năm đạt 6,55% kế hoạch vốn giao, tương đương với trên 49.247 tỷ đồng đã được giải ngân; thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%). Trong đó, có 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10% và có tới 50/52 bộ, cơ quan trung ương và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5% và 26 bộ, cơ quan trung ương và 50 địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư công năm 2023.
Như vậy, tiến độ giải ngân 2 tháng đầu năm thấp, nhiều nơi chưa hoàn thành kế hoạch phân bổ nguồn vốn được cấp.
Trong khi đó, một con số khác cũng rất đáng chú ý: Năm 2022, tổng số vốn đầu tư công cần được giải ngân là 542 nghìn tỷ đồng, nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021. Còn năm 2023, là hơn 711 nghìn tỷ đồng. So với năm 2021 và 2022, năm nay nguồn vốn đầu tư công cao hơn hẳn 2 năm trước. Do đó, khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, đòi hỏi quyết tâm rất cao, cách làm phải rất hiệu quả để hoàn thành nhiệm vụ.
Đầu tư công có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nó không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP mà còn tạo ra những hiệu ứng tích cực thúc đẩy đầu tư tư nhân phát triển thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng; hay định hướng phát triển ngành thông qua việc ưu tiên đầu tư vào ngành trọng điểm; Giải quyết công ăn việc làm, là cơ sở để tăng trưởng khi mà dòng vốn lớn được đưa vào đời sống.
Nghịch lý một số năm qua cho thấy, dù nguồn tiền sẵn sàng nhưng tốc độ giải ngân chậm chạp. Vốn bị đọng thì cũng có nghĩa là gây ra lãng phí, kìm hãm sự phát triển. Nhưng vì sao như vậy?
Năm 2022, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Trong đó, nổi bật là giá vật liệu xây dựng tăng cao, tác động của dịch Covid-19 khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do thiếu vật liệu đất đắp; năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu hay vấn đề giải phóng mặt bằng...
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ nguyên nhân từ việc chuẩn bị dự án, thẩm định, tư vấn mất nhiều thời gian, chất lượng lập dự án chưa tốt dẫn đến khi triển khai phải điều chỉnh, mất thời gian làm thủ tục. Cùng đó là chủ đầu tư, nhà thầu yếu về năng lực; có tình trạng bộ, ngành thiếu phối hợp, chậm giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các địa phương.
Đó đều là những nguyên nhân thực tế khiến giải ngân đầu tư công chậm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở yếu tố con người. Cụ thể là một số người đứng đầu sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến thiếu kiên quyết trong tổ chức thực hiện.
Chính vì thế, việc Thủ tướng thành lập 5 Tổ công tác về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công cho năm 2023 là rất cần thiết. Thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 - 25 hằng tháng. Tổ công tác được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tình trạng chậm trễ đầu tư công.
Cũng cần nhắc lại, trước đó, tại Công điện số 123 ngày 10/3/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được giao theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tuân thủ các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan.
Công điện cũng nêu rõ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp tiếp tục chậm trễ phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.