Mới đây, tại Bến Tre, UBND TPHCM phối hợp với UBND các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành khu vực này. 45 doanh nghiệp, hợp tác xã của TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực. Đây được coi là bước đột phá trong việc phối hợp liên vùng để tăng tốc phát triển.
Ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị có nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Theo đó, sự hợp tác toàn diện giữa TPHCM và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL được xem là sự hợp tác mang tầm chiến lược, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trên thực tế, vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. ĐBSCL được coi là vựa lúa, vựa, cá, vựa trái cây của cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết, hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM trong vai trò đầu tàu kinh tế của phía Nam cũng như cả nước vẫn còn khó khăn tồn tại cần sớm được khắc phục. Đáng chú ý là chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và cả vùng, đặc biệt là vai trò của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, ĐBSCL đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ tác động của biến đổi khí hậu, triều cường thường xuyên, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như trồng trọt, chăn nuôi.
Chính vì thế, liên kết phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL và TPHCM phải được coi là vấn đề chung, đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả địa phương trong vùng, trên tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau".
TPHCM từ lâu đã là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của phía Nam, trong khi đó ĐBSCL luôn được coi là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi. Đó là mảnh đất giàu phù sa của sông Cửu Long, kênh rạch chằng chịt. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn bị coi là “vùng trũng giáo dục” của cả nước, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế. Nhiều năm qua, người dân vùng ĐBSCL đã ly nông, ly hương, tìm tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, kể cả đi làm thuê với những công việc giản đơn tại các đô thị vùng Đông Nam Bộ.
Nhiều lợi thế thiên nhiên nhưng thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL không cao, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn nhiều.
Trở lại quan điểm “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, đó chính là sự phối hợp, hỗ trợ, bắt tay nhau để cùng phát triển, rõ nhất là giữa TPHCM với ĐBSCL. Riêng về dân số, tính đến tháng 1/2023, TPHCM là 9,3 triệu người; ĐBSCL hơn 17 triệu người. Đây là khu vực dồi dào nguồn lực lao động, kết cấu hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện. TPHCM còn được coi là thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của ĐBSCL với khối lượng lớn và ổn định; đồng thời tác động trở lại kích thích sự tăng trưởng của ĐBSCL.
Muốn đi xa phải đi cùng nhau nhưng cũng rất cần một “nhạc trưởng” bắt nhịp để tránh tính trạng mạnh ai nấy làm. Đó cũng chính là thực tế cần được nhìn nhận và lấp đầy vì không thể chỉ hô hào cảm tính mà phải là nhận thức chung và trách nhiệm của mỗi bên. Trong đó, một lần nữa vai trò đầu tàu của TPHCM càng phải được phát huy.