Chấn chỉnh hành vi tiếp tay khai thác rừng trái phép

H.Vũ 20/06/2017 07:25

Ngày 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

ĐBQH Bố Thị Xuân Linh phát biểu tại Hội trường (Ảnh: Quốc Anh).

Theo ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên), cần bổ sung thêm việc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, tiếp tay khai thác rừng, săn bắt động vật rừng để buôn bán trái pháp luật” vào các hành vi bị nghiêm cấm. Bởi thực tế cho thấy không ít vụ việc khai thác gỗ, săn bắt, buôn bán động vật rừng có sự tiếp tay, bao che của người có chức có quyền và sự làm ngơ của lực lượng chức năng.

Cho rằng trong thời gian qua đã có khá nhiều bất cập trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) phân tích: Điển hình như cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển rừng và xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc còn hạn chế.

Nguồn nhân lực phân tán chưa đủ mạnh để tạo nguồn thu nhập ổn định giúp người dân yên tâm bảo vệ phát triển rừng và sống bằng nghề rừng.

Trong khi đó, không thể phủ nhận được vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã tham gia bảo vệ rất hiệu quả, nhưng Dự thảo Luật lần này chưa quy định vai trò bảo vệ rừng của đồng bào DTTS.

Từ đó ông Tín cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung một số nội dung điều khoản vào Dự thảo Luật về việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào DTTS, đảm bảo cho đồng bào dân tộc miền núi có thể sống bằng nghề rừng và có thu nhập đảm bảo từ rừng.

Ông Tín cũng cho rằng, theo các quy định hiện hành về phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Nếu quy định như trong Dự thảo Luật sẽ xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác bảo vệ diện tích rừng chưa có chủ, UBND xã sẽ không có trách nhiệm trong việc triển khai công tác giao rừng, cho thuê rừng.

Điều đó sẽ kéo dài tình trạng rừng không có chủ thực sự, dẫn đến rừng sẽ bị lấn chiếm vì trong thực tế kiểm lâm không đủ lực lượng để trực tiếp bảo vệ diện tích một cách lâu dài, do hầu hết diện tích chưa có chủ, đều phân bố manh mún, rải rác.

“Vì vậy cần phân cấp trách nhiệm đối với chính quyền địa phương đặc biệt là đối với cấp xã trong việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê như quy định hiện hành”- ông Tín nêu quan điểm.

Theo ĐB Nguyễn Văn Man (Quảng Bình), cần làm rõ và phân biệt quy định cho thuê rừng và bảo vệ rừng kinh tế. “Các đối tượng được thuê rừng phải trả tiền thuê đất, thuê rừng.

Như vậy họ khó sống được từ rừng, chưa nói đến làm giàu từ rừng. Do đó, đối với các đối tượng được cho thuê rừng tự nhiên sẽ tìm cách khai thác lâm sản trái phép cho nên cần xem xét lại nội dung này cho phù hợp với mục tiêu của luật”- ông Man bày tỏ.

ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) đề nghị, cần bổ sung thêm việc “lợi dụng chức vụ quyền hạn để bao che, tiếp tay khai thác rừng, săn bắt động vật rừng để buôn bán trái pháp luật” vào các hành vi bị nghiêm cấm.

Bởi theo ông, thực tế cho thấy không ít vụ việc khai thác gỗ, săn bắt, buôn bán động vật rừng có sự tiếp tay, bao che của người có chức có quyền và sự làm ngơ của lực lượng chức năng.

Do vậy, luật cần quy định cụ thể hành vi này vào hành vi bị nghiêm cấm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

“Dân là người trực tiếp bảo vệ rừng và chủ yếu là người dân nghèo vì cuộc sống của họ luôn gắn bó với rừng, không một lực lượng bảo vệ rừng nào bảo vệ tốt hơn là sự tham gia của người dân.

Do đó cần quy định cụ thể hơn chính sách của Nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng bởi quy định như trong Dự thảo Luật như vậy là chưa đủ, chưa khuyến khích và chưa nâng cao được trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ rừng”- ông Vảng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng, cần bổ sung quy định hàng năm, Chính phủ và UBTV Quốc hội báo cáo việc chuyển dụng mục đích sử dụng các loại rừng cho Quốc hội để theo dõi giám sát.

Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Thủ tướng, còn rừng trồng thì do HĐND cấp tỉnh quyết định.

“Ngoài ra cần bổ sung thêm tại điểm các tổ chức, cá nhân có dự án chuyển mục đích sử dụng các loại rừng là phải thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế và nêu rõ trách nhiệm của từng cấp trong việc giám sát thực hiện nội dung này”- bà Linh bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấn chỉnh hành vi tiếp tay khai thác rừng trái phép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO