Giáo dục

Chấn chỉnh hoạt động các trung tâm tin học - ngoại ngữ

Lâm An 08/12/2023 08:10

Hà Nội hiện có 802 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 111 trung tâm giáo dục-đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài; 80 trung tâm bồi dưỡng kỹ năng...Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện các trung tâm hoạt động khi chưa đủ điều kiện.

anh-bai-phu.jpeg
Học sinh học bồi dưỡng kiến thức tại trung tâm sau giờ học chính khóa. Ảnh: Hàn Minh.

Bài toán đội ngũ giáo viên

Ngày nay phụ huynh, học sinh thủ đô nói riêng và cả nước nói chung rất quan tâm, đầu tư việc học ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng kỹ năng. Tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.000 trung tâm thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, đứng thứ hai cả nước sau TPHCM.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trung tâm còn gặp nhiều khó khăn như đội ngũ cán bộ quản lý tâm hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý giáo dục; địa điểm đào tạo, bồi dưỡng đa phần là có hợp đồng thuê ngắn hạn nên có những hạn chế nhất định trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…

Những lùm xùm về việc liên kết dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống… trong nhà trường khiến phụ huynh nhiều nơi bức xúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đã yêu cầu rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động này.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, đã đề nghị các trường học tạm dừng dạy liên kết và hoạt động ngoài giờ chính khóa trong nhà trường từ 2/10 để kiểm tra, rà soát. Tới cuối tháng 11 nhiều trường tiếp tục tổ chức chương trình liên kết theo nguyện vọng của phụ huynh. Điều khác biệt so với thời gian trước đó là các tiết học vốn được bố trí luân phiên, xen kẽ các tiết học chính khóa, nay được đẩy xuống tiết học cuối cùng của các buổi chiều trong tuần. Học sinh có nguyện vọng học thì đăng ký, nếu không học thì ra về, không có cảnh “bơ vơ không biết đi đâu về đâu” như trước.

Chị Mai Thị Hạnh, phụ huynh có con đang học tại trường Tiểu học Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội chia sẻ, chị và các phụ huynh trong lớp rất đồng thuận khi nhà trường sắp xếp thời khóa biểu như vậy. “Gia đình tôi vẫn đăng ký vì con thích học. Tuy nhiên, có lẽ do áp lực phải huy động nhiều giáo viên vào cùng một thời điểm cuối ngày nên trung tâm thiếu người, tuyển bổ sung giáo viên chưa đủ kinh nghiệm. Từ phản ánh của các con về cô giáo mới chưa thực sự ổn, ban phụ huynh lớp đã có kiến nghị với giáo viên chủ nhiệm cũng như kiến nghị lên ban giám hiệu nhà trường để làm việc với trung tâm” – chị Hạnh nói. Trong trường hợp giáo viên không đáp ứng kỳ vọng của gia đình, chị sẽ xin cho con nghỉ, không ảnh hưởng gì tới con hay tập thể lớp.

Chất lượng giáo viên đang là vấn đề của các trung tâm hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh các chương trình dạy liên kết trong nhà trường ở nhiều nơi yêu cầu đẩy xuống tiết cuối mỗi buổi học sẽ khó ngay lập tức huy động được đội ngũ nhân lực vừa đáp ứng về chất lượng, vừa đảm bảo về số lượng.

Tăng cường rà soát

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP Hà Nội, cho rằng cần thực hiện rà soát nghiêm túc, thường xuyên thanh kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm của các trung tâm dù đã được cấp phép.

Bên cạnh đó cần huy động thêm các kênh giám sát từ nhân dân, các tổ chức xã hội khác bởi ở nơi này nơi kia vẫn còn những đơn vị, cá nhân tổ chức chiêu sinh với số lượng học viên lớn nhưng không hề được cấp phép, cơ sở dạy học không đảm bảo chất lượng về an toàn phòng chống cháy nổ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do thuê những địa điểm chật hẹp, học sinh đông, lối thoát hiểm nhỏ.

“Không nên để khi có sự cố xảy ra, cơ quan chức năng mới biết trung tâm này, trung tâm kia hoạt động không phép” – TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

Với 2,3 triệu học sinh, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước. Cùng với đó là sinh viên, học viên của hơn 100 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, những đối tượng có nhu cầu lớn trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, kỹ năng… Đây là điều kiện thuận lợi cho các trung tâm. Cùng với đó là yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan chức năng trong việc quản lý, cấp phép, thanh kiểm tra.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thời gian tới, Sở sẽ đơn giản hóa các nội dung, quy trình giải quyết các thủ tục; phối hợp với ban kiểm tra liên ngành quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra tình hình hoạt động của các trung tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấn chỉnh hoạt động các trung tâm tin học - ngoại ngữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO