Trước những phản ánh về tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, chấn chỉnh lại.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp nhận được phản ánh, kiến nghị của một số địa phương, các tổ chức, cá nhân về vướng mắc, sai sót trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, việc thông báo công khai về đấu giá tài sản trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, tình trạng đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham giá đấu giá… Bộ Tư pháp đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện hiệu quả Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chỉ thị số 40/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả việc bán đấu giá tài sản, nhất là các tài sản công, hạn chế thất thoát tài sản nhà nước.
Bộ Tư pháp đánh giá, trong thời gian qua, một số tổ chức đấu giá tài sản không đăng hoặc đăng thông báo công khai không đúng quy định trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản. Các vấn đề vi phạm thể hiện như: đăng không đủ số lần, không đúng thời gian theo quy định, thông tin về tài sản đấu giá không đầy đủ, không đúng thực tế… Một số người có tài sản đấu giá không đăng thông tin lựa chọn tổ chức đấu giá trên Cổng Thông tin đấu giá tài sản quốc gia, buông lỏng trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản…Việc đăng thông tin này là miễn phí, vì vậy Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương quán triệt người có tài sản đấu giá phải thực hiện theo Điều 47, Điều 53 của Luật Đấu giá tài sản. Nếu người có tài sản đấu giá phát hiện tổ chức thực hiện đấu giá tài sản vi phạm khoản 1, Điều 57 thì có thể xem xét, yêu cầu hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 6, Điều 33 của Luật Đấu giá tài sản.
Đến nay, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vẫn còn tình trạng người có tài sản vẫn đưa ra tiêu chí chung chung, không liên quan đến tài sản đấu giá hoặc áp dụng hình thức chỉ định thầu không căn cứ vào Điều 56 của Luật Đấu giá tài sản khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Đặc biệt, một số tổ chức đấu giá tài sản vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận, xử lý, kiến nghị hủy kết quả đấu giá, nhưng vẫn được người có tài sản đấu giá lựa chọn. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện: Người có tài sản đấu giá phải tuân thủ theo khoản 4, Điều 56 của Luật Đấu giá tài sản, không đặt thêm các yêu cầu không có cơ sở, không cần thiết đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; Cần xem xét đánh giá kỹ lưỡng những tổ chức đấu giá tài sản “bị tai tiếng” và có những hành vi vi phạm đã bị cơ quan báo chí và cơ quan chức năng xử lý; Trường hợp lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo hình thức đấu thầu thì khuyến khích việc lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của cả Luật Đấu thầu và Luật Đấu giá tài sản. Chú trọng và tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức đấu giá tài sản tại địa phương. Để không làm hạn chế việc tham gia đấu giá, Sở Tư pháp các địa phương cần có trách nhiệm rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá ngoài quy định của pháp luật để xem xét và xử lý.
Cũng theo Bộ Tư pháp thì các “mánh” để hạn chế, gây khó và cản trở trong quá trình mua, nộp hồ sơ tham gia đấu giá như: Tổ chức đấu giá tài sản có văn bản thông báo dừng nhận hồ sơ, nhưng trên thực tế vẫn tiếp nhận của một số tổ chức, cá nhân khác; không bán ngay hồ sơ cho người đăng ký tham gia đấu giá đến mua mà yêu cầu xem tài sản trước; bán giới hạn số lượng hồ sơ trong ngày; bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá ngoài giờ hành chính, không liên tục, không đảm bảo đủ thời gian theo quy định,…
Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, hạn chế người có nhu cầu tham gia đấu giá đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đăng ký tham gia đấu giá, lợi ích của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Do đó, cần chấn chỉnh thực hiện đúng theo Điều 38, Điều 9 của Luật Đấu giá tài sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, đảm bảo “đúng bản chất” của việc đấu giá.
Bộ Tư pháp khuyến nghị, việc “đấu giá tài sản theo lô” ở một số địa phương xuất hiện người có tài sản gom chung nhiều tài sản thành một tài sản đấu giá duy nhất để bán theo lô, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này nhằm mục đích làm tài sản đấu giá có giá khởi điểm cao, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua tài sản để sử dụng tham gia đấu giá mà hướng đến nhóm người tham gia đấu giá nhất định, tiềm ẩn nguy cơ “đầu cơ”, trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chính vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo, phê duyệt phương án đấu giá (đặc biệt là đối với đấu giá quyền sử dụng đất) cần có phương án phù hợp, khả thi mới phát huy hiệu quả của hình thức đấu giá tài sản, bảo đảm tối đa hóa lợi ích của nhà nước trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công.