Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian cả ngày để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và các Bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN.
Tin tiêu cực trên mạng chỉ còn dưới 10%
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, mạng xã hội bây giờ không phải ảo mà là thật, có tình trạng dùng ngôn từ chống phá, kích động, thông tin sai sự thật. Dù Chính phủ chỉ đạo, bộ, ngành có nhiều biện pháp ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ án nhưng vấn đề trên vẫn còn nóng. “Bộ trưởng có cam kết chấm dứt được tình trạng sim rác không? Khi nào sẽ có trang mạng xã hội uy tín thay thế những trang mạng xã hội này?”-ông Vượt đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bộ đã đầu tư xây dựng vận hành Trung tâm Giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng. Khả năng xử lý của Trung tâm mỗi ngày khoảng 100 triệu tin, và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực. Theo ông Hùng, trước đây, tỷ lệ tin tiêu cực trên 30% nhưng sau khi điều chỉnh chỉ còn dưới 10%.
“Trước đây, mạng xã hội nước ngoài chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam thì việc yêu cầu họ thực hiện gặp khó khăn. Tuy nhiên qua 1 năm đã có chuyển biến tích cực. Nếu như trước đây khi Nhà nước yêu cầu thì Facebook thực hiện khoảng 30%, giờ là 70-75%; còn Youtube từ 60% tăng lên 80-85%, Apple trước đây gần như không thực hiện thì nay đã thực hiện hơn 70% yêu cầu”-Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Đề cập đến mục tiêu xây dựng mạng xã hội của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Bộ đang đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước, phát triển số lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài. Hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu tài khoản, trong năm qua tăng trưởng 30%, còn các mạng nước ngoài có tổng cộng 90 triệu tài khoản người dùng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì năm 2020, chậm nhất là 2021, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu cân bằng số lượng người dùng mạng xã hội trong nước và nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề sim rác, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã cơ bản cắt bỏ được sim không đủ thông tin. Tuy vậy, hiện vẫn còn lượng sim rất lớn nằm trên kênh bán hàng. Từ nay đến tháng 9 Bộ sẽ tập trung giải quyết bằng cách các nhà mạng mua lại, giao trách nhiệm đến từng Tổng Giám đốc công ty viễn thông.
Làm gì để ngư dân vừa sản xuất, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo?
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) và ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm rõ việc huấn luyện kỹ năng biển cho người dân để vừa sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo? Cũng như đánh giá việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, có xảy ra tiêu cực hay không khi tại Bình Định có 20 tàu cho ngư dân đánh bắt xa bờ vừa đóng xong đã hỏng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hiện nay kinh tế biển Việt Nam đứng ở góc độ khai thác thủy sản là rất lớn, khoảng 95.500 tàu các loại, xấp xỉ 1 triệu nhân lực. Do đó đặt ra 3 vấn đề là làm sao khai thác hiệu quả, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền, và ứng phó với thiên tai. Gần đây Thủ tướng đã có Quyết định 930 để tập trung tuyên truyền kỹ năng cho ngư dân, kèm theo đó là triển khai Luật Thủy sản, tập trung cơ sở vật chất khi hiện đang từng bước nâng cấp với 82 cảng cá, 58 khu neo đậu. Các loại tàu 24 m trở lên đang lắp đặt thiết bị hành trình...
Liên quan đến việc thực hiện Nghị định 67, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị định 67 có nhiều nội dung như: Xây dựng các khu nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ chính sách tín dụng để ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ với 2.228 chiếc tàu công suất lớn; và chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi xa. Riêng chính sách tín dụng để phát triển đội tàu cá, các tỉnh đã đăng ký 1.177 phương tiện tàu, trong đó đến 30/6, có 1.032 tàu đã đi vào hoạt động.
Về việc 20 chiếc tàu ở Bình Định vừa đóng xong đã hỏng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cho biết ngay sau khi xảy ra sự việc trên, Bộ và tỉnh Bình Định đã vào cuộc kịp thời khắc phục nhanh nhất để ngư dân ra khơi. “Về trách nhiệm, Bộ và tỉnh đã làm rõ trách nhiệm của các công ty đóng tàu, và cơ quan quản lý từ Trung ương xuống địa phương. Qua đó Tổng cục Thủy sản đã kỷ luật nhiều cán bộ trực tiếp có liên quan khi đăng kiểm cho lưu hành tàu không đảm bảo chất lượng. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra để xử lý đúng theo quy định của pháp luật”-Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay và thông tin từ khi thực hiện Nghị định 67 đến nay đã tăng 20% số tàu khai thác xa bờ, giảm 13% tàu khai thác gần bờ.
Tại sao chống tham nhũng vặt chưa chuyển biến?
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, chống tham nhũng vặt chưa chuyển biến, vẫn còn tình trạng người dân khi đi làm thủ tục giấy tờ bị nhũng nhiễu. “Vậy nguyên nhân tham nhũng vặt chưa được chuyển biến là do đâu? Giải pháp trong thời gian tới của Chính phủ để chống tham nhũng vặt là gì?”-bà Thủy nêu vấn đề.
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Chính phủ đã đề ra giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách về pháp luật, về kinh tế, không tạo ra kẽ hở, để tránh việc cán bộ lợi dụng quy định gây nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình đạo đức công vụ đối với cán bộ công chức viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 để xử lý công việc, giảm sự tiếp xúc của người dân với cán bộ, dùng camera để giám sát tại những nơi tiếp xúc với người dân…
Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, tình trạng nợ đọng văn bản, Phó Thủ tướng cho biết, đây là vấn đề đang được Chính phủ và Thủ tướng quyết tâm trong thời gian qua để làm rõ trách nhiệm của các bộ trưởng. Nguyên nhân là do chất lượng của các dự án luật còn hạn chế, tình trạng dự án luật xin rút đã giảm nhưng vẫn còn, nhất là việc nợ đọng văn bản. Tính đến nay vẫn còn nợ 18 văn bản, trong đó có 2 nghị định hướng dẫn 2 luật và 16 văn bản. Do đó thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sẽ công khai các bộ ngành đang nợ đọng văn bản, tăng cường năng lực triển khai pháp luật tại các ngành.
Tiếp tục đấu tranh với các băng nhóm đòi nợ thuê
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về tội phạm tín dụng đen, bảo kê, xã hội đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng: Đây là vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó có tham mưu cho Thủ tướng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành. Trong 6 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc đã xử lý 436 vụ, 766 bị can về tội danh liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê. Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ duy trì khí thế tấn công trấn áp tội phạm, không để chùng xuống khi kết quả đang trên đà tốt, đồng thời lên danh sách đấu tranh với các băng nhóm đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành, không để xảy ra vi phạm.
Cuối năm 2019 sẽ xây xong nhà ở cho người có công
Trả lời ĐB Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) về việc thực hiện chính sách cho người có công và chính sách nhà ở xã hội cho người có công đang chậm thực hiện, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chính sách cho người có công là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên do Pháp lệnh về người có công đã không còn phù hợp nên Bộ đang tiến hành sửa đổi Pháp lệnh về người có công và sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 12 tới. Về nhà ở cho người có công, bộ đã phối hợp với Bộ Xây dựng để tiến hành xây dựng 413 nghìn nhà xây mới, hiện đã phân bổ kinh phí xuống địa phương. Đến nay hơn 80% các nhà đã triển khai xong, còn 20% sẽ xong trong năm 2019, ngày 31-12-2019 sẽ hoàn thành căn bản.