Sau 3 lần tăng giá liên tiếp, giá xăng dầu cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Lo ngại giá nhiều loại hàng hóa sẽ “té nước theo giá xăng” hiện hữu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.
Trong 40 ngày đầu năm 2022, giá xăng đã trải qua 2 lần biến động mạnh. Gần đây nhất, vào 11/2 giá xăng dầu tăng hơn 1.000 đồng/lít. Theo đó, xăng E5RON92 cho dù không cao hơn 24.571 đồng/lít thì cũng đã tăng 976 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 25.322 đồng/lít, tăng 962 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Giá xăng tăng cao nhất trong vòng 8 năm
Trước đó, ngày 21/1, giá các loại xăng đã tăng thêm hơn 400 đồng mỗi lít. Còn nếu lùi mốc thời gian năm 2021, giá các mặt hàng xăng trong nước được điều chỉnh tăng tới 19 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần.
Trước đà tăng như vậy nhưng một số ý kiến từ cơ quan quản lý vẫn cho rằng xăng tăng đã được dự báo và vẫn nằm trong “tầm kiểm soát” của cơ quan điều hành. Lý do đưa ra là bước sang năm 2022, khi kinh tế thế giới dần phục hồi, nhu cầu sử dụng năng lượng cao. Nhiều quốc gia cơ bản khống chế được sự bùng phát của đại dịch Covid-19, nhờ đó, kinh tế hồi phục nhanh. Ở tầm rộng, thế giới bắt đầu mở cửa trở lại, kéo theo đó là nhu cầu giao thông, vận tải tăng, nhu cầu xăng dầu tăng.
Nhà quản lý cũng cho rằng, đối với trong nước, nhu cầu xăng dầu tăng cao trong khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp vấn đề tài chính nên giảm công suất, hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô. Khi Việt Nam nhập khẩu dầu thô để thực hiện lọc hóa dầu và chế biến và có khoảng 30% lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường được nhập để tiêu dùng, với áp lực khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong nước và giá xăng dầu thế giới tăng vọt. Từ đó dẫn tới việc giá xăng trong nước tăng là điều “khó tránh khỏi”.
Theo Bộ Công Thương, tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở các mặt hàng xăng chiếm từ 42,7% đến 43,2%; trong khi đối với dầu, tỷ lệ này là trên 20%. Các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng bao gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của từng loại xăng dầu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận điều đó. Bàn về giá xăng lên mức giá cao nhất trong 8 năm trở đây, một số chuyên gia cho rằng cần xem lại cách điều hành giá xăng dầu. Bởi, do bỏ qua kỳ điều hành vào đúng ngày 1/2 nên giá xăng dầu “bị nén lò xo”, bật tăng mạnh. Với diễn biến giá xăng dầu thế giới căng thẳng do địa chính trị, “sự trục trặc” của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, quan ngại giá xăng dầu trong nước khó dự đoán.
Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này cũng tính tới phương án xấu nhất, nếu sau tháng 5 tình trạng vận hành của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không cải thiện, sẽ giao tổng nguồn cung cho từng doanh nghiệp đầu mối để họ chủ động nhập khẩu. Nhà chức trách cũng sẽ điều chỉnh việc phân giao hạn ngạch nhập khẩu cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, ngoài đề xuất Chính phủ cho phép điều hành giá với chu kỳ điều hành linh hoạt hơn, cơ quan này sẽ đề nghị được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn. Về lâu dài, Bộ này sẽ kiến nghị nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật (thay vì bằng tiền) để bảo đảm không bị đứt gãy nguồn cung với mặt hàng chiến lược này.
Gây áp lực lên mặt bằng giá
Xăng dầu là mặt hàng đầu vào, ảnh hưởng tới giá thành của nhiều loại hàng hóa khác nhau. Việc xăng dầu tăng giá được doanh nghiệp vận tải, vận chuyển hàng hóa nhìn nhận là “cú đấm bồi”. Cụ thể, trong 15 - 17 khoản mục chi phí của hoạt động vận tải thì xăng dầu chiếm tỷ lệ từ 30 - 35%. Do vậy giá xăng tăng khiến cho doanh nghiệp vận tải “ đứng ngồi không yên”.
Ông Đoàn Thế Xuyên- Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên chia sẻ, sau Tết hoạt động vận tải hành khách chỉ đạt 50%. Khi giá xăng tăng chắc chắn số lỗ mỗi chuyến xe của doanh nghiệp sẽ tăng.
Còn ông Tô Quang Học- Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học - đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cũng không giấu nổi sự lo lắng trước việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục cho biết, đơn vị đang tìm phương án kinh doanh khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt. Xăng dầu chiếm 30 - 40% đơn giá vận chuyển nên việc nhiên liệu đầu vào tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Hiện doanh nghiệp đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách.
“Hai năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch Covid-19 kéo dài. Nay giá xăng dầu tăng cao kỷ lục không còn là nỗi lo nữa mà là ác mộng thật sự với ngành vận tải”, ông Học nói.
Cùng nỗi lo, ông Phạm Văn Nhiên- Công ty du lịch Nhiên Hà (có trụ sở tại tỉnh Sơn La) cho hay, dịch Covid-19 kéo dài đã khiến cho lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay, gần như mọi hoạt động bị ngưng trệ.
“Doanh nghiệp phải cầm cự để duy trì hoạt động, nên việc xăng dầu tăng giá mạnh khiến chúng tôi thêm khó khăn”- ông Nhiên nói.
Còn anh Hoàng Trần Thế Cường (khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) đang chạy taxi cho hãng Sao Thủ Đô than thở, trước đổ đầy bình xăng chỉ 1,1 triệu đồng thì nay giá xăng tăng phải mất 1,2 triệu đồng.
“Nhưng quan trọng hiện nay là nhu cầu di chuyển bằng taxi của người dân không cao như trước nữa, phần lớn các gia đình đều sắm xe riêng để di chuyển an toàn mùa dịch. Nên xăng tăng thì chỉ có tài xế ngậm ngùi mà thôi”- anh Cường nói.
Sau Tết Nhâm Dần, để đáp ứng tiến độ đơn hàng, Công ty CP May xuất khẩu Trường Hòa (Thanh Hóa) phải đưa thêm 2 dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động, cùng với đó tuyển thêm gần 200 lao động. Ông Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Trường Hòa phân tích: Giá nhân công tăng đúng vào cao điểm sản xuất, cùng với loạt mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá, trong đó “nóng” nhất phải kể đến giá xăng dầu, giá vận chuyển, logistisc cũng đang “leo dốc”. Trong khi đó, giá hàng hóa bán ra không thể điều chỉnh tăng theo do hợp đồng đã được ký kết từ trước, hơn nữa nếu tăng giá sản phẩm sẽ giảm sự cạnh tranh và mất khách hàng. Đây thực sự là sức ép đối với doanh nghiệp.
Còn đứng ở vị trí người tiêu dùng, chị Nguyễn Diệp Anh (phố Hoa Lâm, Long Biên, Hà Nội) than thở, hôm Chủ nhật đi chợ để chuẩn bị đồ lễ cho Rằm tháng Giêng mà người bán hàng cứ thông báo là giá xăng tăng, thì giá dầu ăn, giá hàng hóa, thực phẩm rồi cũng sẽ nhanh chóng tăng.
“Người nội trợ như tôi cứ thấy giá xăng tăng là giá mớ rau, cân thịt tăng ngay”, chị Diệp Anh lo lắng.
Đe dọa lạm phát
Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 3 lần liên tiếp. Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hóa chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
“Với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Định - Phó trưởng Phòng Chính sách (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cho rằng: Ngay từ đầu năm, áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn, nhất là khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần diễn ra sớm nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 có thể ở mức cao theo quy luật khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng như: giá xăng, dầu liên tục biến động và không loại trừ khả năng tiếp tục tăng khi nhu cầu của các nước vẫn ở mức cao trong quá trình tái hồi phục kinh tế cũng như thiếu hụt nguồn nhiên liệu từ cuối năm 2021.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngay khi nắm được tình hình Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ đã có chỉ đạo gửi các thương nhân đầu mối, các Sở Công Thương để trên địa bàn nắm nguồn tại chỗ và nguồn bổ sung, chỉ đạo các thương nhân đầu mối phải tăng nhập khẩu ngay.
Đồng thời, ngay sau đó, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp cho kỳ điều hành tới theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định 95. Việc giảm áp lực cho các doanh nghiệp chính là điều hành sớm để bám sát giá thế giới.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong cuộc họp Chính phủ cũng phân tích kỹ tình hình CPI tháng 1 tăng 1,94%, lạm phát cơ bản tăng 0,66%, trong khi giá xăng dầu là yếu tố cấu thành trong CPI cao. Chính phủ và liên Bộ cân nhắc để điều hành hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cũng như mục tiêu kiểm soát vĩ mô của Chính phủ. Trước đây, nếu theo Nghị định 83 không có chuyện điều hành sớm và tăng giá, nhưng tại Nghị định 95 đã có điều khoản đặc biệt là nếu tình hình ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét thời điểm điều hành.
Vấn đề thứ hai là không có chuyện sửa công thức tính giá cơ sở. Trong các yếu tố cấu thành để tính giá cơ sở, có 2 yếu tố là chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức, 2 chi phí này được thành lập, tính toán từ năm 2014. Theo phản ánh của các doanh nghiệp là chưa tính đúng, tính đủ, chưa phản ánh hết, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Tài chính phải rà soát lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận.
Vấn đề thứ ba là dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia. Dự trữ quốc gia cũng chỉ được sử dụng theo quy định và theo Luật Dự trữ, có chủng loại, thời gian, điều kiện để sử dụng dự trữ quốc gia. Dự trữ lưu thông là các doanh nghiệp bắt buộc phải có. Nghị định 95 đã quy định là không những thương nhân đầu mối, mà kể cả thương nhân phân phối cũng phải dự trữ lưu thông. Nghị định 95 đã thể chế hóa quy định yêu cầu các nhà máy lọc dầu phải dự trữ về dầu thô và xăng dầu thành phẩm như quy định hiện hành.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, trong một văn bản gửi tới Bộ Công Thương khi giá xăng dầu bước vào kỳ điều chỉnh tăng 1.000 đồng/lít, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương cần tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá.
Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương phải cùng vào cuộc, tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm.
PGS.TS Ngô Trí Long: Giá xăng tăng gây sức ép lớn đến mặt bằng giá
Doanh nghiệp và người dân hiện có hai mối lo thường trực là dịch Covid-19 và giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là xăng dầu đã đạt mức giá cao nhất trong 8 năm qua. Trong khi dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát, nền kinh tế trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu tăng từ đầu năm sẽ gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất nói riêng. Những lo ngại tác động tới lạm phát là có cơ sở khi xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến giá cả thị trường. Do đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính cần tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá đối với mặt hàng quan trọng này.