Nguy cơ giá cả leo thang theo giá điện một lần nữa được nhiều người đặc biệt quan tâm, sau khi giá điện tăng 8,3% vào ngày 20/3 vừa qua. Chưa kể, giá xăng dầu thế giới cũng đang trong diễn biến bất lợi. Làm thế nào để hạn chế tác động khi giá những mặt hàng chiến lược này tăng?
Giá điện tăng được cho là sẽ tác động tới giá nhiều mặt hàng.
Sợ giá chồng giá
Ngày 22/3 vừa qua, EVN Hà Nội đã gửi thông báo tin nhắn qua điện thoại, nội dung điều chỉnh thông báo giá điện cho quý cư dân ở quận Hà Đông. Khi tiếp nhận thông tin, chị Hoàng Linh (tòa nhà The Prdie Hà Đông) than thở: Hiện giờ chưa đến hè, gia đình đã dùng hết khoảng 1,1 triệu tiền điện/ tháng. Nay điện tăng, lại hè nóng nực dùng nhiều điều hòa chắc chắn tiền điện phải ngót nghét 2 triệu.
Nhưng đáng lo hơn, theo chị Linh, đi đâu mua hàng chị cũng nghe chủ hàng quán than thở “ giá điện tăng, không tăng giá hàng bán thì khó trụ được”.
Nguy cơ giá cả leo theo giá điện một lần nữa được người dân và doanh nghiệp lo lắng. Ông Trịnh Khôi Nguyên- Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Thép Việt Nam cho biết, việc tăng giá điện rất ảnh hưởng đến ngành thép. Ví dụ Công ty thành viên thép miền Nam, mỗi tháng trả 60 tỷ đồng tiền điện, nếu giá điện tăng thêm thì mỗi tháng công ty mất thêm 5 tỷ đồng. Đấy chỉ là một ví dụ cho việc điện tăng thì giá cả hàng hóa dọa tăng theo.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Quý- chủ một xưởng thêu ở thành phố Hưng Yên chia sẻ, máy thêu của xưởng gần như chạy 18/24 tiếng. Điện tăng giá, tiền điện trả hàng tháng tăng thì giá thành một sản phẩm thêu không thể đứng yên mãi được. Kinh doanh ngày càng khó hơn.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện tăng 8,36% vào thời điểm này sẽ tác động đến chỉ số CPI tháng 4/2019 tăng khoảng 0,29% so với tháng 3/2019. Tuy nhiên đối với tác động đến chỉ số CPI của cả năm 2019 còn tùy thuộc vào biến động của các mặt hàng thiết yếu trong giỏ hàng hóa của CPI.
Ở một diễn biến khác, dầu WTI vẫn chứng kiến tuần tăng thứ 3 liên tiếp, khi động thái cắt giảm sản lượng từ OPEC cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela khiến nguồn cung bị thắt chặt. Điều này dẫn đến nguồn năng lượng dầu WTI tăng giá, tác động bất lợi đến giá xăng dầu trong nước. Dù Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã vừa trải qua một kỳ điều hành đầy khó khăn thì giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành kế tiếp vẫn rất khó đoán. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu nội địa đã cho biết quỹ bình ổn xăng dầu của họ đã hạ xuống rất nhanh.
Giá điện tăng 8,36% sẽ tác động đến chỉ số CPI tháng 4/2019.
Kịch bản dự trù
Nói chung kịch bản điều hành giá điện đã được các Bộ, ngành tính toán, ước tính tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung một cách chi tiết, toàn diện; trong đó cũng đã ước tính tác động đến các mặt hàng sản xuất sử dụng điện như xi măng, sắt thép...
Ông Đặng Công Khôi- Phó Cục trưởng Cục Giá, Bộ Tài chính, cho rằng theo quy định tại Luật Giá, mặt hàng xi măng, sắt thép hiện nay nằm trong danh mục kê khai giá. Do đó, để đảm bảo không xảy ra các biến động bất thường, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Vương Đình Huệ thì cần theo dõi sát diễn biến thị trường kết hợp với việc giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp để có các biện pháp tổng thể nếu có các biến động bất thường của thị trường.
Ông Khôi cũng cho biết thêm, trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá năm 2019, việc điều hành giá điện đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương tính toán đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp ngay từ đầu năm.
Cụ thể, Bộ Tài chính chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, chủ động rà soát, cân đối cung cầu để bình ổn thị trường; đặc biệt trong các thời điểm lễ, Tết, đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người dân lao động.
Bộ Tài chính phân tích, tính toán, đề xuất các kịch bản điều hành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý đảm bảo việc điều chỉnh giá với liều lượng, thời điểm hợp lý tương ứng với các kỳ điều hành, tránh điều chỉnh tập trung vào một thời điểm trong năm; công khai, minh bạch các chính sách điều hành giá và công tác thu, chi giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý.
Ngoài ra, các Bộ, ngành liên quan cần điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%. Các Bộ, ngành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, dịch vụ công... Việc điều hành giá cần hết sức thận trọng để đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm. Cùng với đó, tăng cường phân tích, dự báo, bám sát diễn biến giá cả thị trường để báo cáo kịp thời, đề xuất các kịch bản điều hành giá chi tiết trong năm 2019 nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát…