Khó khăn chưa qua sau cơn bão số 3, việc giá điện tiếp tục tăng khiến nhiều người dân và doanh nghiệp lo lắng.
Một ngày sau khi Bộ Công thương công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với mức lỗ gần 22.000 tỷ đồng thì giá điện được điều chỉnh tăng. Quyết định tăng giá điện lần này được đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn.
Theo quyết định được đưa ra, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng thêm 4,8% so với trước đó từ ngày 11/10/2024, lên mức 2.103,1159 đồng/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Năm 2023, EVN tăng giá điện 2 lần. Lần gần nhất là ngày 9/11/2023, giá bán lẻ điện bình quân lên 2.006,79 đồng/kWh chưa bao gồm thuế GTGT.
Theo báo cáo đánh giá tác động của việc tăng giá điện bán lẻ bình quân ngày 11/10 với việc tăng giá điện bán lẻ bình quân lên hơn 2.100 đồng/ kWh, hộ sử dụng điện dưới 50kWh (chiếm 11,51% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 51 - 100kWh (chiếm 15,53% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101 - 200kWh (chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 - 300kWh (chiếm 18,5% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng. Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301 - 400kWh (chiếm khoảng 8,87% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng. Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.
Theo EVN, đối với các đối tượng khách hàng sinh hoạt phổ biến (200kWh/tháng trở xuống), tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ.
Như vậy, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (tiêu thụ dưới 200kWh/tháng) ở mức vừa phải, trong khi các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn sẽ chịu mức tăng đáng kể hơn.
Dù EVN cho rằng mức tác động tới khách hàng sau khi giá điện tăng ở mức vừa phải nhưng người dân cho rằng không đơn giản như vậy. Hiện nay điện là mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của bất kỳ hộ gia đình nào. Không những thế, nó còn tác động đến rất nhiều hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ liên đới khác. Chính vì vậy, việc tăng hoặc giảm giá điện có thể sẽ kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu đắt đỏ thêm.
Bà Nguyễn Thị Nhàn (ở phố Phan Đình Giót, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Hơn một tháng nay, nhiều mặt hàng đã tăng giá sau bão, đặc biệt là rau xanh. Nay chưa kịp mừng vì giá rau giảm thì giá điện lại tăng. Giá điện tăng thì tiền điện sinh hoạt hàng tháng đội lên rất nhiều. Không chỉ tiền điện tăng, hàng hóa có thể cũng vin theo giá điện tăng để tăng. Cuối cùng chỉ có người tiêu dùng thiệt nhất.
Trong khi đó, anh Trần Thiên Tâm - quản lý công ty chuyên tái chế nhựa ở Đồng Nai cũng cho biết, tiền điện tăng thì chi phí cho sản xuất tăng. Trong bối cảnh kinh doanh ngày càng khó, doanh nghiệp chỉ có cách tiết kiệm điện. Ban lãnh đạo công ty sắp tới ra văn bản hướng dẫn công nhân vận hành máy móc thiết bị mới để tiết giảm tối đa chi phí vận hành. “Thời điểm này, một số tổ máy có thể vận hành tối ưu vì thiết bị mới nhưng sau một thời gian vận hành thiết bị cũ đi, tiền điện tăng đều là gánh nặng cho doanh nghiệp” - anh Tâm nói.
Theo ông Mạc Đình Khoa - Giám đốc Phát triển Chiến lược kinh doanh và Hoạt động thương mại của Schneider Electric, hiện nay, ở một số ngành, chi phí năng lượng chiếm đến 15 - 20% tổng chi phí sản xuất. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, yêu cầu của người tiêu dùng là giá sản phẩm phải giữ nguyên hoặc thậm chí giảm, trong khi mức tiêu thụ năng lượng và giá ngày càng tăng. Do đó, việc tiết kiệm năng lượng trở thành yếu tố quan trọng để doanh nghiệp duy trì lợi nhuận và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.
Ông Khoa cho rằng, việc tiết kiệm năng lượng không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh. Để đạt được mục tiêu này, cần có những giải pháp thiết thực, sự đồng hành của Chính phủ và sự quyết tâm từ chính các doanh nghiệp.
“Một trong những giải pháp quan trọng mà chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp bắt đầu là xây dựng hệ thống đo đếm và tiết kiệm năng lượng một cách độc lập. Doanh nghiệp cần có chiến lược toàn diện về tiết kiệm năng lượng trong mọi khía cạnh của nhà máy, từ từng tổ máy đến từng dây chuyền sản xuất. Chỉ khi có hệ thống đo đếm độc lập, doanh nghiệp mới biết được chính xác chỗ nào tiêu thụ nhiều năng lượng, chỗ nào tiêu thụ ít để có giải pháp tổng thể. Khi có dữ liệu chính xác về công suất từng máy, doanh nghiệp sẽ dễ dàng nhận ra đâu là nơi nên bắt đầu tối ưu hóa năng lượng” - ông Khoa cho hay.