Hiện đang vào mùa mưa, bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết (SXH) đang có nguy cơ bùng phát mạnh. Các chuyên gia cảnh báo cần phải đẩy mạnh phòng, chống dịch để giảm tỷ lệ lưu hành virus SXH trong cộng đồng.
Riêng tại Khu vực phía Nam đã ghi nhận có khoảng 25.000 trường hợp mắc SXH, so cùng kỳ giảm 39%, ca tử vong cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, TS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, tỷ lệ nặng trên tổng số ca mắc SXH vẫn rất cao nếu không phòng, chống kỹ dễ dẫn tới khả năng bùng phát dịch, gây quá tải cho các cơ sở y tế. Ông Thượng nhấn mạnh: Đã bắt đầu vào mùa mưa nên phải chống dịch ngay từ bây giờ để giảm tỷ lệ lưu hành virus SXH, giảm các ca mắc và ca chuyển nặng.
Tại Đồng Tháp, theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh, dịch SXH và tay chân miệng cũng đang diễn tiến phức tạp. Địa phương này đã ghi nhận 1.447 ca mắc SXH từ đầu năm đến nay, trong đó có 82 trường hợp nặng, 1 trường hợp tử vong.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, năm 2022, toàn thành phố có hơn 19.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Riêng từ đầu năm đến giữa tháng 6/2023, thành phố ghi nhận gần 400 trường hợp mắc SXH (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy. Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh SXH trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh này năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.
Lý giải về nhận định này, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phân tích, điều kiện khí hậu hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải chưa đúng nơi quy định, phế liệu đọng nước chưa được thu gom… Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) cảnh báo, SXH là căn bệnh vô cùng “nóng” hiện nay. Mấy năm gần đây, SXH không còn quy luật cứ 4-5 năm lại có một đợt dịch đỉnh điểm nữa mà tăng hàng năm do thời tiết mưa nắng thất thường. Đặc biệt năm nay, hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến SXH sẽ gia tăng.
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, vệ sinh môi trường trong phòng, chống SXH đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH chỉ ngành y tế vào cuộc là chưa đủ. Nếu như người dân hiểu rõ về cơ chế lây truyền bệnh và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì hoàn toàn có thể ngăn chặn được sự gia tăng dịch bệnh.