Trong số 496 đại biểu vừa được bầu có tên ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tasco. Ông Dũng là một trong hai người tự ứng cử trúng cử…
Doanh nhân Phạm Quang Dũng trong lần làm diễn giả tại diễn đàn
“Khởi nghiệp làm giàu” tổ chức mới đây tại Nam Định.
Thực ra tên khai sinh của vị doanh nhân này không phải là Phạm Quang Dũng mà là một cái tên khác, nghe nôm na hơn: Phạm Văn Nấng. Về cái tên này, ông kể: Ngày trẻ bố mẹ ông sinh đẻ rất khó khăn, phải xin một người con nuôi về nuôi và đặt tên là Nuôi. Chả hiểu sao, sau khi nhận nuôi con nuôi, bố mẹ ông lại sinh liền một mạch được đến 5 người con, đầu tiên là sinh được ông và đặt tên luôn là Nấng cho vần với người anh tên Nuôi…
Khác với nhiều người, có hai việc ông Dũng không giấu giếm, đó là mình không được học hành bài bản ở trường lớp, nhất là không giấu việc mình rất giàu có, không phải bây giờ mới giàu mà từ mấy chục năm trước, khi cả nước số đông còn nghèo khó thì đã giàu rồi. Ông cũng chẳng giấu, chính nhờ đam mê kinh doanh từ rất sớm, kinh doanh thành công, đầu tư vào đâu thắng ở đó đã giúp ông sớm trở nên giàu có…
Ông Dũng đã làm gì để giàu? Theo Chủ tịch HĐQT Tasco ở tuổi 17, chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt, mới học hết lớp 7 ông phải bỏ dở việc học hành để nhập ngũ. Năm 1975, sau 5 năm bộ đội, ông rời quân ngũ và theo học tại một trường Trung cấp thủy lợi, chuyên ngành kế toán.
“Lúc ôn thi, chỉ 3 tháng tôi đã học thuộc làu chương trình toán lý hóa cấp 3 khi đó. Kết quả, các môn thi đều đạt 8 điểm”, ông kể.
Với mảnh bằng Trung cấp kế toán, từ năm 1980 ông bắt đầu cuộc đời làm công chức kéo dài 15 năm của mình khi được nhận về công tác tại Phòng Giao thông-Thủy lợi huyện Hải Hậu (Nam Định).
Năm 1998, ông tiếp nhận,đứng đầu công ty công trình giao thông Nam Hà (tiền thân của Tasco ngày nay) trong điều kiện công ty đang gặp nhiều khó khăn, nếu như không muốn nói đã sắp phá sản. Năm 2000, khi thực hiện cổ phần hóa, sau khi trừ mọi chi phí, tài sản của công ty chỉ còn có 600 triệu đồng. Sau cổ phần hóa, công ty huy động được số vốn cao gấp nhiều lần, lên tới 7 tỷ đồng!
“Tôi nói với anh em, từ nay một phần thu nhập để lại phục vụ chi tiêu cho gia đình còn lại nên để dành góp vốn cho công ty để cùng đầu tư. Vốn huy động của công ty nhờ vậy không ngừng tăng. Khó khăn nhờ vậy từng bước được khắc phục”, ông Dũng nhớ lại.
Nói về quy mô, sự lớn mạnh của Tasco ngày nay, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, từ một doanh nghiệp tài sản chỉ được định giá có 600 triệu đồng vào năm 2000, đến năm 2016 vốn điều lệ của Tasco đã lên tới 1.300 tỷ đồng, dự kiến cuối năm sẽ tăng lên 2.000 tỷ đồng.
Ông Dũng cũng cho biết, hiện Tasco đang đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng vào lĩnh vực giao thông; khoảng 10.000 tỷ đồng vào lĩnh vực bất động sản; 3000 tỷ đồng vào dự án thu phí giao thông tự động không dừng; dự kiến thời gian tới Tasco sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng vào các dự án giao thông.
Và khi tiếp xúc với cử tri Nam Định mới đây.
Hưởng ứng chương trình làm cầu treo dân sinh cho vùng đồng bào miền núi, Tasco là doanh nghiệp tiên phong ủng hộ,với số tiền lên tới 15 tỷ đồng. Cùng với đó, theo ông Dũng, thời gian qua Tasco cũng đã dành khoảng hơn 20 tỷ đồng cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện…
Vị doanh nhân cũng không giấu niềm tự hào về những gì doanh nghiệp do mình đứng đầu đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của quê hương Nam Định. Trong đó, hàng loạt các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện, đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh những năm qua, như các tỉnh lộ 51B, 490C, Quốc lộ 38, đường cao tốc Nam Định-Phủ Lý… đều có dấu ấn của Tasco.
Trong đó, ông Dũng tự hào nhất là công trình đường cao tốc Nam Định-Phủ Lý, do Tasco làm chủ đầu tư bằng hình thức BOT, với số vốn đầu tư lên đến gần 4.000 tỷ đồng.
Tuyến đường hiện đại này đã hoàn thành, được xem là “cổng tỉnh” mới của Nam Định, xóa bỏ việc Nam Định bị cô lập, kém kết nối với bên ngoài trước đây khi thời gian chạy ô tô từ Hà Nội về Nam Định giờ đây chỉ còn hơn 1 tiếng, thay bằng khoảng 3 tiếng như trước đây, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư cho tỉnh này…
Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông Dũng thời gian qua còn được biết đến là một diễn giả, xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình, nhiều hội thảo, diễn đàn để nói về kinh doanh, về khởi nghiệp.
Với hành trang cũng như tiếng tăm của mình, trong kỳ bầu cử vừa qua có lẽ người dân Nam Định đã không quá bất ngờ khi biết ông tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
Không chỉ được 100% cử tri nơi cư trú, nơi công tác tín nhiệm nhất trí giới thiệu, tại hiệp thương vòng 3 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức, nơi quyết định ai là người chính thức được giới thiệu, doanh nhân Phạm Quang Dũng cũng nhận được hầu hết ý kiến nhất trí.
Còn nhớ, khi thảo luận về trường hợp của ông, cũng có ý kiến không ủng hộ, cho rằng ông “chỉ là người giỏi xin dự án”; nếu nhất thiết phải có đại diện doanh nhân tại quốc hội thì nên giới thiệu những doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, với hầu hết ý kiến tán thành, ông Dũng đã bước qua được bước “sát hạch” quan trọng này.
Còn nhớ trong các buổi tiếp xúc cử tri, với phong cách tự tin, quyết liệt, không rào trước đón sau, không giả vờ khiêm tốn, như lời ông là “tôi được nhiều người gọi là Dũng ngay và luôn”, “không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng, không bao giờ chùn bước trước khó khăn”, “giúp đỡ người khác, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước phát triển giàu mạnh là niềm vui, là mục đích sống của tôi”, “khát khao được làm đại biểu quốc hội để có thể đóng góp được nhiều hơn nữa, nhất là vào việc hoạch định chính sách từ những trải nghiệm thực tế của mình”…, ông Dũng đã khiến những cử tri ngồi dưới không thể có cảm giác “buồn ngủ”.
Và như đã biết, với xấp xỉ 70% cử tri ở đơn vị bầu cử số 3 của tỉnh Nam Định, gồm các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy tin tưởng lựa chọn thông qua lá phiếu, ông Dũng đã có tên trong danh sách những người trúng cử…