Không chỉ tràn lan ở thị trường tiêu dùng nội địa, thời gian gần đây hàng kém chất lượng, giả xuất xứ còn xuất hiện trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Giả xuất xứ hàng hóa trong xuất nhập khẩu
Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp cùng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 vừa tiến hành kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu là hàng giả, hàng không đúng xuất xứ. Sau khi tiến hành kiểm tra lô hàng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vĩnh Phước Thành chứa trong container số WHSU5162042, hải quan thành phố đã phát hiện có 3 loại hàng hóa là sản phẩm giày thể thao, túi xách dùng cho phụ nữ có gắn logo các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam như: Nike, Adidas và Dior.
Cụ thể, 400 đôi giày thể thao chất liệu vải và cao su tổng hợp, trên sản phẩm có logo nhãn hiệu Adidas và Nilke, nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, còn có 89 túi xách phụ nữ với logo Dior và nhãn mác Việt Nam. Hải quan TP HCM cho biết, lô hàng này giả nhãn hiệu được nhập khẩu thông qua hình thức quá cảnh sang Campuchia nhưng xuất xứ hàng hóa thể hiện sản xuất tại Việt Nam. Khi thẩm lậu ngược vào thị trường Việt Nam sẽ thành hàng hóa do những công ty có thương hiệu của nước ngoài đặt tại Việt Nam sản xuất.
Ông Nguyễn Hồng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan thông tin: Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu cùng Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) kiểm tra lô hàng quá cảnh độc lập của một công ty. Qua kiểm tra, phát hiện hàng hóa là sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng của Nike, Chanel, Gucci, Hammers,... với tổng trị giá 1,6 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã phạt hành vi quá cảnh hàng hóa giả nhãn hiệu với số tiền 360 triệu đồng và buộc tiêu hủy hết số hàng hóa nêu trên.
Ngoài tình trạng nhập khẩu hàng sai nhãn hiệu, hàng không đúng xuất xứ để tiêu thụ ở thị trường nội địa, lực lượng chức năng còn ghi nhận, rất nhiều mặt hàng sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “Xuất xứ Việt Nam”,... Hoặc trên bao bì, nhãn mác, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, website. Đơn cử trường hợp Công ty TNHH Cao su Talalay Việt Nam nhập khẩu nệm cao su, nệm mỏng bên ngoài là Made in China nhưng bên trong sản phẩm lại ghi Made in Vietnam. Với vụ việc này, Hải quan TP HCM đã ra quyết định khởi tố và chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra.
Bên cạnh thực trạng giả xuất xứ hàng hóa khi xuất nhập khẩu, cơ quan chức năng quan ngại, doanh nghiệp còn làm giả giấy chứng nhận xuất xứ C/O, xin cấp C/O không hợp lệ tại nước sở tại. Điển hình, lực lượng chức năng phát hiện Công ty Cổ phần Đại Minh Việt thiết kế mẫu C/O phát hành gần 400 C/O cho 33 doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài thu lời 300 triệu đồng, với trị giá hàng hóa gần 600 tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ sai phạm.
Phối hợp kiểm soát hàng xuất nhập khẩu
Theo nhận định của đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu: Hàng giả trong xuất nhập khẩu rất phức tạp. Ngoài việc giả xuất xứ, nhãn hiệu đối với hàng nhập khẩu, ở chiều xuất khẩu, các thương nhân nước ngoài cấu kết với một số đối tượng trong nước thành lập các công ty có máy móc, thiết bị sản xuất, lắp ráp đơn giản nhưng vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu nhằm trốn thuế quan. Một số doanh nghiệp còn lợi dụng chương trình vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, mua nguyên liệu từ nước ngoài sau đó bán ra thị trường nội địa.
Nói về quy định xuất xứ hàng hóa, ông Phạm Mạnh Lân - Đội trưởng đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan TP HCM cho rằng, các khái niệm ghi trên hàng hóa hiện nay rất đa dạng như: Made by Vietnam, Make by Vietnam, Product of Vietnam,... Tuy nhiên, việc hướng dẫn thế nào là giảm mạo tên gọi xuất xứ Viêt Nam lại chưa có văn bản hướng dẫn. Đối với quy định tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chỉ đưa ra khái niệm nhưng không có hướng dẫn trình tự, thủ tục cũng như các tiêu chí cụ thể. Do vậy, lực lượng chức năng khó kết luận vi phạm về tự chứng nhận xuất xứ. Dự báo, từ nay đến cuối năm tình hình hàng hóa gian lận, giả xuất xứ tiếp tục tung hoành. Theo kế hoạch, hải quan thành phố sẽ rà soát doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, gia công cho nước ngoài nhằm điều tra, xác minh các giao dịch.
Đưa giải pháp ngăn chặn hàng giả trong xuất nhập khẩu, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, thời gian tới hải quan sẽ phối hợp với các bên liên quan để ngăn chặn hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ. Mặt khác, trao đổi thông tin với cơ quan hải quan các nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn các C/O có dấu hiệu gian lận nhằm xuất nhập khẩu bất hợp pháp bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.