Việc quảng cáo hàng giả một cách liều lĩnh, thản nhiên…trên mạng xã hội đang khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao rất bức xúc vì bị mất uy tín, thương hiệu. Nguy hiểm hơn, hàng giả, hàng nhái có nguy cơ làm triệt tiêu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chân chính.
Các kho hàng giả khổng lồ trên facebook
Đại dịch Covid-19 như chất xúc tác khiến ngành thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam phát triển bùng nổ. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng môi trường Internet để bán hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, quảng bá bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô ngày một lớn.
Ngày 4/12 vừa qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra kho xưởng sản xuất mỹ phẩm của chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ hóa mỹ phẩm T.L.T trên đường Tân Thới Hiệp 20, phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, phát hiện công nhân đang sản xuất nhiều loại sản phẩm hóa mỹ phẩm như nước rửa tay, dầu gội đầu, sữa tắm…và hơn 5.500 sản phẩm các loại, cùng một số hóa chất công nghiệp, không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất mỹ phẩm theo quy định.
Trước đó, hồi tháng 8, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã xử lý hơn 1.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc được rao bán trên facebook. Điều đáng quan ngại là các đối tượng rao bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội thường sử dụng các hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo và chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng.
Chị N.T.A.L. có kinh nghiệm buôn bán hàng quần áo trên mạng chia sẻ, chỉ cần lập tài khoản, có một Fanpage bán hàng, rồi “up” sản phẩm lên và chạy quảng cáo, Facebook sẽ phê duyệt rất nhanh và chẳng truy vấn gì. Cuối tháng, Facebook sẽ trừ tiền ở tài khoản thẻ Visa thanh toán quốc tế.
Trên thực tế, hoạt động bán hàng qua mạng xã hội nói riêng và TMĐT nói chung chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành và các cơ quan chức năng như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng… Quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này cũng đã có. Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan và công khai trên mạng xã hội mà ít bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường phân tích, hiện mỗi sàn giao dịch TMĐT có trên 5.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Theo nguyên tắc hoạt động, các sàn giao dịch TMĐT chủ yếu cho thuê “gian hàng” online. Do đó, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào nên không phát hiện được hàng hoá vi phạm. Các đơn vị như Shopee, Lazada, Sendo cũng chỉ mới đang rà soát yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh sản phẩm đăng bán là hợp lệ.
Với sự phát triển của công nghệ, tính năng phát trực tiếp (livestream) ngày càng được nhiều người bán hàng, từ cá nhân đến doanh nghiệp, tận dụng để quảng cáo và bán hàng trực tiếp với “thượng vàng hạ cám” như quần áo, giày dép đến nhà, đất...
Đồng thời, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên TMĐT có rất nhiều cách để lẩn tránh sự truy vết của cơ quan chức năng. Hầu hết đều lợi dụng các giao dịch, thanh toán trên mạng chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng nên các cơ quan chức năng không thể kiểm tra được ngay.
Cần sự phối hợp của các bên
Vừa qua Công ty cổ phần Vinamit đã phải chính thức ra thông báo về việc xuất hiện hàng nhái, hàng giả thương hiệu Vinamit trên thị thường sau khi phát hiện nhiều sản phẩm được rao bán online làm nhái, giả thương hiệu sản phẩm của Vinamit. Các đối tượng làm giả, làm nhái màu sắc thương hiệu, logo, font chữ, thậm chí cả hình dáng bao bì từ túi zip tới lon, hộp,… của Vinamit.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit thông tin, việc làm nhái, làm giả thương hiệu gây hậu quả rất lớn cho cả DN và người tiêu dùng. Người tiêu dùng bỏ ra số tiền lớn nhưng sản phẩm không đạt chất lượng dẫn đến không chỉ tiền mất mà còn ảnh hưởng sức khỏe. Lãnh đạo công ty đã phải cho nhân viên gửi thông báo khắp nơi cảnh báo các đại lý, nhà phân phối, khách hàng… về hiện tượng này.
Một DN khác là Công ty cổ phần nhựa Tiền Phong cũng có sản phẩm bị nhái trên thị trường. Đại diện công ty này cho biết, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả hiện nay rất tinh vi, nắm bắt công nghệ cũng rất nhanh, khi DN thay đổi công nghệ họ lập tức sao chép chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo đó, các đối tượng làm hàng nhái chỉ cần thêm 1 chữ nào đó trước chữ nhựa Tiền Phong hoặc phía sau thì không còn là hàng giả nữa, mà lại quy ra là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng để xác định được xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần nhiều thủ tục, muốn theo các vụ kiện rất tốn kém thời gian và tiền bạc nên nhiều lúc cũng…ngại.
Tổng cục QLTT đã chỉ đạo triển khai kế hoạch chuyên đề đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gọi tắt là Kế hoạch 888. Kế hoạch được triển khai theo lộ trình đến năm 2025 tập trung thực hiện đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, ký cam kết, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm hướng đến đạt được các mục tiêu ngăn chặn triệt để các hành vi kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường truyền thống, cũng như trên môi trường TMĐT.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật ATN & Cộng sự: Cần chế tài đủ mạnh
Vấn nạn hàng giả nếu không được giải quyết triệt để sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới không chỉ người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vì vậy cần một chế tài đủ mạnh để xử lý vấn đề này.
Đồng thời, nên có quy định rõ hơn về xác định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu như các đối tượng có thể thêm một ký tự khác trên sản phẩm thì đã không còn được coi là hàng giả mà chuyển sang xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên việc xác định xâm phạm cũng rất khó, khiến doanh nghiệp tốn nhiều sức lực và tiền bạc để theo đuổi các vụ kiện. Do đó cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật trong đó, có những quy định rõ về xuất xứ để nhận diện.
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có kế hoạch đấu tranh mạnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong đó, phải chủ động nắm bắt diễn biến tình hình, những thủ đoạn hoạt động mới của đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tập trung đấu tranh kiên quyết đối với các đối tượng và các mặt hàng trọng điểm, đặc biệt là các mặt hàng cấm, trị giá lớn, thuế suất cao… các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Biên phòng, Hải quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho cán bộ, công chức cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Qua đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người dân được nâng cao, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
L.Hương(ghi)