Những ngày cận Tết Nguyên đán cũng là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng được đẩy mạnh. Do đó tình trạng vi phạm trong kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng gia tăng mặc dù các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Hàng giả, hàng nhái gia tăng
Những tháng cuối năm 2022, mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ kinh doanh hàng lậu, hàng giả, nhưng hoạt động này vẫn diễn biến tinh vi, khó kiểm soát.
Ngày 2/12, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hà Đông phối hợp với đoàn liên ngành 389 TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo thành phố chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) kiểm tra cơ sở kinh doanh nước hoa tại phường La Khê, quận Hà Đông. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện và lập biên bản tạm giữ hơn 1.000 lọ nước hoa của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Chủ cơ sở trình bày số nước hoa này được đặt mua qua mạng xã hội nên không biết nguồn gốc và cũng vì mua qua mạng nên không có hóa đơn chứng từ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ số hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) phối hợp với Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh nằm trong khuôn viên Công ty cổ phần thương mại Hiệp Hương (ngõ 11 Trần Vĩ, quận Cầu Giấy) đã phát hiện gần 30.000 bộ quần áo, giày, găng tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas với mẫu mã quần áo của một số quốc gia và các câu lạc bộ bóng đá... đang bày bán tại cơ sở này.
Mới đây, trên địa bàn TPHCM, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) - Tổng Cục QLTT phối hợp với Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra 12 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy tại chợ Tân Thành (quận 5), phần lớn hàng hóa kinh doanh đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu lớn. Ước tính số lượng vi phạm lên tới hàng chục nghìn sản phẩm.
Trước đó, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT TPHCM đã tiến hành bắt quả tang 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu tại huyện Bình Chánh.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389 thành phố) cho biết, trong năm 2022, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 28.585 vụ; xử lý hành chính: 26.063 vụ (đạt 103% so với cùng kỳ năm 2021). Khởi tố hình sự 130 vụ đối với 190 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 3.534 vụ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ 928 vụ, hàng gian lận thương kại 21.601 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu hơn 3.720 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2021).
Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 5.383 vụ, xử lý: 4.741 vụ vi phạm. Phạt hành chính hơn 55 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu gần 24 tỷ đồng; Trị giá hàng tiêu hủy, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm gần 48 tỷ đồng.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Cục QLTT TP Hà Nội cho biết, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu dùng nhiều thủ đoạn như lợi dụng việc sử dụng hóa đơn điện tử để vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, khi bị kiểm tra mới xuất hóa đơn để đối phó. Đặc biệt, các đối tượng còn lợi dụng đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng giả, hàng lậu nên gây khó khăn trong kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng…
Theo ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, nhiều đối tượng lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đưa hàng kém chất lượng, giả xuất xứ của Việt Nam ra thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý ham rẻ và không phân biệt được hàng thật, hàng giả nên dễ bị các đối tượng trục lợi. Đây cũng là vấn đề gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Nhằm ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng lậu, ngay từ cuối quý III/2022, Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Cục QLTT Hà Nội cũng ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp Tết để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… với cả phương thức kinh doanh truyền thống và trực tuyến.
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, từ tháng 11/2022, lực lượng QLTT đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, chú trọng xử lý các hành vi lợi dụng sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ yêu cầu các lực lượng xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm liên quan đến buôn bán hàng giả, hàng nhái để tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch đấu tranh, phòng chống kịp thời. Đồng thời phải đánh giá được các mặt hàng trọng điểm, nắm bắt được tình hình diễn biến linh hoạt lựa chọn một hoặc một số nội dung có trọng tâm, trọng điểm, đánh đúng, đánh trúng để làm sao xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng còn đòi hỏi người tiêu dùng chỉ nên mua sản phẩm ở những website đã thông báo với Bộ Công thương, không nên thỏa hiệp tiêu thụ hàng giả, hàng nhái giá rẻ.