Các dịch vụ giao dịch trực tuyến, thanh toán online, quét mã QR… ngày càng phổ biến. Giao dịch trực tuyến có thể thực hiện bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ nơi đâu đã trở thành môi trường thuận lợi để những đối tượng có hành vi lừa đảo dễ dàng thực hiện hơn. Liên tiếp các trường hợp người dân sập bẫy lừa đảo công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính cho thấy cuộc chiến với tội phạm lĩnh vực này ngày càng căng thẳng.
Ông Phạm Văn Quyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nam Việt cho hay, ông nhận được cuộc gọi lừa đảo mời gọi tham gia sàn thương mại điện tử với hình thức chuyển khoản trước để nhận hoa hồng.
Nông dân cũng bị lừa
“Rất mong Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) truy quét sim rác, tài khoản rác để nông dân chúng tôi yên tâm chuyển đổi số” - ông Quyên đề nghị.
Theo ông Quyên, hiện nay các HTX đã ứng dụng nhiều dịch vụ số của ngân hàng song điều khiến các HTX và nông dân bất an là hiện tượng mất tiền trong tài khoản còn diễn ra rất nhiều. Chỉ khi tình trạng này giảm bớt, người nông dân mới thật sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính số.
Nhiều nông dân cũng băn khoăn về tình trạng các cuộc điện thoại lừa đảo xảy ra rất nhiều, các đối tượng lừa đảo nắm bắt chính xác thông tin cá nhân của người dân, đặt ra nghi vấn dữ liệu cá nhân bị lộ, mua bán bất hợp pháp và đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn.
Ngày 30/6/2023, chị B (SN 1992, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi của một đối tượng giả danh là cán bộ thuế. Đối tượng có gửi một đường link và hướng dẫn chị B truy cập để cài đặt phần mềm "Tổng cục thuế" để nộp thuế được giảm VAT từ 10% xuống 8%. Sau khi cài đặt phần mềm, chị B phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất hơn 240 triệu đồng.
Tình trạng lừa đảo trực tuyến càng phổ biến và các đối tượng lừa đảo thực thi nhiều chiêu bài để đánh cắp tiền. Mới đây nhất Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cảnh báo hành vi giả mạo mã QR tại các cửa hàng, địa điểm thanh toán nhằm đánh lừa khách tới mua hàng, thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, quán ăn, hộ kinh doanh… rồi chiếm đoạt tiền. Cụ thể, kẻ gian lợi dụng sơ hở để dán đè lên hoặc đặt bảng có mã QR của tài khoản giả mạo ở cửa hàng, nhà hàng hoặc điểm thanh toán. Khách sau khi mua hàng hoặc ăn uống sẽ quét mã QR để trả tiền nhưng thực chất tiền được chuyển cho kẻ lừa đảo qua mã QR giả.
Theo phân tích, hiện nay các dịch vụ giao dịch trực tuyến, thanh toán online, quét mã QR… đã dần phổ biến hơn với người dùng. Đặc thù các giao dịch trực tuyến có thể thực hiện bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ đâu đã trở thành môi trường thuận lợi để những đối tượng có hành vi lừa đảo dễ dàng thực hiện hơn.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, bên cạnh những thuận lợi, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số đang phải đối mặt với không ít khó khăn như: Kiến thức về công nghệ, kiến thức về sản phẩm dịch vụ ngân hàng của khách hàng còn hạn chế; Quy định về ngân hàng số, tài chính số của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa có sự điều chỉnh kịp thời với tốc độ phát triển của sản phẩm dịch vụ nên khi có các rủi ro xảy ra thì cách thức giải quyết và xử lý chưa hiệu quả; Tình trạng lừa đảo liên quan đến các dịch vụ ngân hàng số ngày càng tinh vi, phức tạp và gia tăng.
Lý giải vì sao lừa đảo trực tuyến ngày càng tăng, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, chỉ ra một số khó khăn, thách thức chính như hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học - công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng công nghệ hiện đại nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn.
"Tội phạm gia tăng ở mức độ cao. Ngành ngân hàng và các bộ, ngành triển khai rất quyết liệt những biện pháp ngăn chặn, song vẫn chưa theo kịp. Các vụ việc thường là xảy ra rồi chúng ta mới xử lý. Thời gian tới, NHNN sẽ có những chỉ đạo quyết liệt, như ngăn chặn sử dụng thông tin không chính chủ để thực hiện các giao dịch. Bởi không kẻ lừa đảo nào sử dụng chính thông tin của mình để thực hiện hành vi lừa đảo mà đều thông qua việc thuê, mượn, mua bán tài khoản" - ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, có vấn đề đặt ra, nhiều cuộc gọi điện thoại hay các tin nhắn gửi đến cho khách hàng đều có thông tin rất chính xác, như vậy việc bảo mật thông tin khách hàng đang là thách thức với ngân hàng? Ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) cho hay, ngân hàng luôn là mục tiêu số 1 của tội phạm công nghệ. Dù công nghệ có được đầu tư phát triển đến đâu cũng chỉ ngăn chặn tội phạm mạng ở một mức độ nhất định. Do vậy, các ngân hàng, cơ quan công an liên tục cảnh báo người dân cảnh giác về các chiêu trò lừa đảo của tội phạm.
Nâng cao cảnh giác
Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đang hướng tới sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ với đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin, giữa trải nghiệm, thuận tiện khách hàng với bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên kênh số. Do đó, các chuyên gia cho rằng, khách hàng cũng phải nâng cao tinh thần cảnh giác.
Chẳng hạn, người dân mua bán trực tuyến khá nhiều nên khi thanh toán sẽ phải đăng nhập tài khoản ngân hàng. Nếu không có các kỹ năng bảo mật, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lộ thông tin tài khoản ngân hàng. Hay như các đối tượng dùng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra sản phẩm âm thanh, hình ảnh làm giả người ngoài đời thực…
Giới chuyên gia chỉ rõ khi công nghệ thông tin phát triển các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng nghìn tài khoản facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo hoạt động tài chính, ngân hàng trong đó có mời chào vay lãi suất thấp. Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân từ căn cước công dân đến ảnh chân dung để phục vụ làm hồ sơ vay.
Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay. Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, người bị hại không những mất tiền mà còn mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác như đăng kí SIM không chính chủ, đăng kí mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến…
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho hay, các ngân hàng đã tăng cường hệ thống phòng thủ nhằm chống gian lận. Với khách hàng, các ngân hàng cũng phải truyền thông mạnh kết hợp với đào tạo, hướng dẫn để khách hàng nhận biết các website giả mạo ngân hàng được lập ra để lôi kéo và lấy thông tin khách hàng. Ngoài ra, trong các giao dịch có giá trị cao, phương thức xác thực cũng phải phức tạp hơn để phòng chống gian lận.
Chẳng hạn, nếu chuyển khoản món tiền từ 5 triệu đồng trở lên, người thực hiện phải xác thực bằng khuôn mặt mới thực hiện được giao dịch. Do vậy, kẻ gian dù có đánh cắp thông tin khách hàng cũng rất khó lấy tiền.
"Với việc mở tài khoản từ xa eKYC, các ngân hàng cũng có những công cụ quét rất mạnh để phát hiện những gian lận. Việc tạo những rào cản như vậy để bảo vệ khách hàng nhưng đôi lúc cũng gây những phiền nhiễu nhất định. Tuy nhiên, khách hàng cũng cần thông cảm vì mục tiêu cao nhất là an toàn cho khách hàng khi giao dịch" - ông Tùng nói.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm nay, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 3 nhóm lừa đảo chính, gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Các hình thức lừa đảo trực tuyến chủ yếu nhắm vào các nhóm đối tượng, như người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ tới 19 hình thức lừa đảo…
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho rằng tình trạng lừa đảo xảy ra gây tổn hại rất lớn đến khách hàng và thách thức rất lớn cho cơ quan quản lý và ngân hàng, làm suy giảm niềm tin của khách hàng, tổn hại danh tiếng cho ngân hàng và ngân hàng tốn rất nhiều chi phí cho hoạt động phòng, chống. Thực tế, việc xử lý gian lận này không đơn giản. Để hạn chế lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của ngân hàng và người dùng. NHNN đã phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin tín dụng khách hàng; làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.