Trong nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt liên quan đến tín dụng đen, các nạn nhân đều phản ánh, việc hồ sơ, thủ tục vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng quá rườm rà và nhiêu khê, nên dẫu biết sẽ gặp rủi ro nhưng vẫn “lao đầu” vào vay “nóng” với lãi suất cao, tạo cơ hội cho tội phạm tín dụng đen “đục nước béo cò”.
Vay “nóng” không cần giấy tờ
Một trường hợp nạn nhân là chị P.T.Kh. (38 tuổi, ngụ phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) phản ánh, thời gian dịch Covid-19 vào tháng 7/2021 khi cần một khoản tiền để thanh toán tiền đầu tư vào quán cà phê tại Khu đô thị Đông Tăng Long (phường Long Trường, TP Thủ Đức) đã xoay sở hồ sơ để vay ngân hàng. Theo chị Kh., ban đầu chỉ muốn vay số tiền 300 triệu đồng nhưng khi thấy ngân hàng hướng dẫn hồ sơ đảm bảo khoản vay đã “ngã ngửa” vì không ngờ lại phức tạp như vậy. “Gia đình tôi 5 người, ngoài hai vợ chồng thì 2 con nhỏ và mẹ già đều sống phụ thuộc không có nguồn thu. Hai vợ chồng cũng buôn bán tự do không thể chứng minh được thu nhập, dẫn đến hồ sơ vay khó khăn”, chị Kh. chia sẻ, đồng thời cho biết, việc bế tắc khả năng vay vốn từ ngân hàng đã khiến chị Kh. tìm đến việc vay “nóng” bên ngoài. Với khoản vay cùng số tiền, hàng tháng hai vợ chồng chị Kh. phải gồng gánh số tiền lãi là 30 triệu đồng (không trả gốc, tương đương 10% khoản tiền vay).
Cũng như trường hợp chị Kh., nhiều nạn nhân khi vay mượn số tiền lớn của các tổ chức tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” đã không thể lường trước được các hệ lụy khi đến hẹn trả lãi nhưng không thanh toán đủ tiền lãi cho nhóm hoạt động tín dụng đen.
Theo Trung tá Nguyễn Thành Hưng - Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TPHCM), cuối tháng 9 vừa qua, Phòng đã chỉ đạo, phân công, huy động lực lượng để thu thập thông tin, xác lập chuyên án mang bí số 923V để triệt xóa một băng nhóm tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Các đối tượng tội phạm này lợi dụng nhu cầu của một số người dân khó khăn xoay sở tiền bạc, đã tổ chức cho vay với điều kiện đơn giản chỉ cần thanh toán ngắn hạn trong vòng 7 - 10 ngày với lãi suất rất cao.
Cũng theo đại diện Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TPHCM), quá trình thực hiện chuyên án 923V, các trinh sát đã bắt Phạm Văn Trường (sinh năm 1990, ngụ quận 12) cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi theo hình thức này cùng một số đồng phạm. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận thủ đoạn, thu thập hồ sơ, thông tin của những người đang “ngàn cân treo sợi tóc” do khó khăn kinh tế, bằng cách cắt cử đối tượng trong băng nhóm đến địa chỉ nơi cư trú của nạn nhân để xác minh người vay. Khi người vay đáp ứng đủ các điều kiện thì các đối tượng sẽ cho vay bằng cách giao tiền trực tiếp hoặc chuyển tiền thẳng vào tài khoản ngân hàng của họ.
Tuy nhiên, việc cho vay dễ dàng cũng kéo theo những hệ lụy khôn lường. Cụ thể, ngoài việc phải chịu khoản phí dịch vụ từ 2 - 5% số tiền vay và lãi suất vay từ 1 - 1,5% mỗi ngày (cao hơn 17 - 26 lần lãi suất tối đa theo quy định hiện hành) thì người vay còn bị khủng bố tinh thần thường xuyên nếu không đáp ứng yêu cầu của chúng.
Sửa luật để “siết” tín dụng đen
Việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được lấy ý kiến các địa phương trên cả nước để kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 sắp tới. Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, đây là dự án luật rất quan trọng và đặt trong nội dung giám sát thường xuyên của Ủy ban MTTQ TPHCM cũng như Công an TPHCM. Bởi vì, từ nhiều năm qua Mặt trận và Công an thành phố đã ký chương trình phối hợp về đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trên địa bàn, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen. Tuy nhiên, để đấu tranh với các tệ nạn tội phạm nổi cộm hiện nay, trong đó có tín dụng đen, ông Ninh cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chặt chẽ cho Luật các tổ chức tín dụng hiện hành và các bộ luật có liên quan đến ngành ngân hàng và tài chính. Về vấn đề này, ngoài MTTQ TPHCM, Đoàn ĐBQH thành phố cũng là cơ quan đóng góp vào quá trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, tại hội thảo góp ý cho dự thảo luật này ngày 12/10 của Đoàn ĐBQH thành phố, nhiều ý kiến đã tổng hợp để chuẩn bị trình Quốc hội.
Ông Hoàng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô CEP cho rằng, tổ chức tài chính vi mô chủ yếu hướng đến các đối tượng hộ gia đình thu nhập thấp với các khoản vay có quy mô nhỏ (50 triệu đồng trở xuống). Do đó, những hoạt động này gần như không có hóa đơn chứng từ, bởi vì nếu quy định hồ sơ quá khắt khe, không khéo sẽ lại làm khó người vay. “Nếu quy định thủ tục rắc rối khiến người vay nản lòng thì chính là cơ hội cho "tín dụng đen", cho vay nặng lãi”, đại diện Tổ chức Tài chính vimo CEP cho biết.
Tại hội thảo này, đại diện một số ngân hàng như: Công ty cho thuê tài chính thuộc ngân hàng ACB, Vietinbank, Sacombank… khi góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng hiến kế đổi mới, hạn chế các vướng mắc phát sinh liên quan đến điều kiện vay sẽ mở ra cơ hội cho người có nhu cầu vay ngân hàng, nhưng đồng thời cũng giúp các ngân hàng có cơ chế để cải thiện dịch vụ của mình thu hút hơn đối với khách hàng của mình.