Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu đã đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam là tươi sáng nhất trong khu vực Đông Nam Á, với nhận định Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Đánh giá được đưa ra tại Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, do Công ty tư vấn Oxford Economics (được Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales ủy quyền - ICAEW) công bố cho rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ giảm 4,2%; đồng thời, sự phục hồi hoạt động kinh tế của khu vực trong những quý tới vẫn không chắc chắn, đặc biệt là trong quý IV/2020.
Tuy nhiên, Báo cáo đã đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam là tươi sáng nhất trong khu vực Đông Nam Á, với nhận định Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Trong khó khăn, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm có thể đạt con số 100 tỷ USD. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD; xuất siêu trên 11,9 tỷ USD. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 30%.
Theo ông Mark Billington - Giám đốc ICAEW khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á, sở dĩ có được thành tựu đó là do Việt Nam đã rất thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Tương tự, theo HSBC, Việt Nam sẽ là quốc gia ASEAN duy nhất tăng trưởng dương năm nay (khoảng 1,8%). Trong báo cáo về thị trường cận biên (Frontier Market), HSBC đưa ra nhận xét rất đáng chú ý: Thị trường Việt Nam được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư trong nước, do đó, các biến động trong ngắn hạn không tác động sâu tới trung và dài hạn, giúp cho nền kinh tế theo đồ thị đi lên.
Tờ Bangkok Post (ngày 24/8) chạy hàng tít: “Kinh tế Việt Nam vực dậy mạnh mẽ khỏi ‘vũng lầy’ Covid-19”. Bài báo cho rằng dù chịu tổn thương không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song nền kinh tế Việt Nam vẫn có sức kháng cự mạnh mẽ và luôn sẵn sàng để tái khởi động và đặc biệt là có được lợi thế khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. “Việt Nam đang đến rất gần với thị trường trị giá 18 nghìn tỷ USD với một hiệp định thương mại tự do phiên bản mới mà họ có lợi thế xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh”- Bangkok Post nhận xét.
Theo giới chuyên gia, từ những vượt thoát khỏi tác động xấu của đại dịch Covid-19 suốt từ đầu năm, thì nay chúng ta đã bước vào chặng nước rút của năm 2020. Đây cũng là tiền đề phát triển khi từ ngày 1/1/2021 “bộ đôi” Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực. Trong đó, điểm mới của Luật Ðầu tư là cắt giảm tới 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết vốn là nguyên nhân tạo thành điểm nghẽn trong đầu tư phát triển. Còn Luật Doanh nghiệp cũng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong suốt thời gian qua, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng tập thể Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn (trong đó chú trọng gỡ nút thắt từ thủ tục hành chính); đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây được coi vừa là chiến lược dài hơi vừa là giải pháp tình thế phù hợp với tình hình thực tế, nên nền kinh tế đã trụ vững và hồi phục trong muôn vàn khó khăn. Văn bản 1259/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính là để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Đáng chú ý, cùng với đầu tư phát triển sản xuất, thúc đẩy đưa dòng vốn đầu tư công vào thực hiện thì chủ trương hướng mạnh vào thị trường tiêu thụ trong nước là một quyết sách mạnh mẽ. 97 triệu dân, thị trường hùng hậu đó đã là trụ đỡ cho sản xuất hàng hóa trong nước trong khi xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
3 tháng còn lại của năm là chặng nước rút “chưa có tiền lệ” vì để tới đích với tăng trưởng dương của cả năm 2020 là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Sự phục hồi sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới khi Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào kinh tế toàn cầu. Trong khi hầu hết các nền kinh tế vẫn chìm trong khủng hoảng, tiêu thụ sụt giảm mạnh, nhập khẩu đình trệ do các quốc gia phải “đóng cửa” để phòng, chống đại dịch.
Chính vì thế, vui mừng với những kết quả đạt được nhưng một điều hết sức rõ ràng rằng nếu không “chạy gằn” thì chặng nước rút cuối năm sẽ khó có được thành công.