Tinh hoa Việt

Chặng nước rút của thơ Trần Quang Quý

PGS.TS NGÔ VĂN GIÁ 23/03/2024 11:11

Hành trình thơ của nhà thơ Trần Quang Quý có thể được tính một cách tương đối bằng dấu mốc quãng năm 1990 với tập thơ đầu tay “Viết tặng em trong ngôi nhà chật” cho đến khi ông bị bạo bệnh rồi mất năm 2022, tính ra chừng 30 năm có lẻ. Ông sớm xác lập tư cách thi sĩ trên văn đàn Việt Nam hiện đại ngay từ lần xuất hiện đầu tiên.

Xét đến chặng cuối cùng của hành trình thơ, Trần Quang Quý đã để lại hơn 20 tác phẩm, gồm cả truyện ngắn, tản văn, kịch bản phim, tiểu luận, nhưng phần quyết định làm nên tên tuổi của ông chính là thơ với nhiều giải thưởng khác nhau, cao nhất là Giải thưởng Nhà nước năm 2016.

quy1(1).jpg
Nhà thơ Trần Quang Quý.

1.Một điểm rất đáng chú ý, từ khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo (2/2019), trong những lúc khỏe yếu khác nhau, kể cả những khi nằm viện ông viết liên tục với số lượng khá nhiều thơ. Khi đó, bạn bè văn chương và độc giả theo dõi qua facebook, thấy ông đăng thơ khá đều. Căn cứ vào sự xuất hiện của thơ, ai cũng mừng, tin rằng ông đã khỏe lại dần. Nhưng sự thực không phải như vậy. Bệnh nan y đó, như người ta vẫn thường hay nói, là một cái án tử hình được báo trước…

Trong những ngày nước rút, ông đã kịp san định, cho ra đời gần như cùng lúc ba tập thơ “Miền tỏa bóng”, “Những nẻo người”, “Những sắc màu đa thức”. Hai tập đầu ra trước so với tập sau cùng chừng 2 tháng, nhưng đều kịp để ông ký tặng bạn bè khi đang nằm trên giường bệnh.

Trong những năm tháng bạo bệnh đó, ông đã mang tâm thế của một thi sĩ quyết đấu với bệnh tật, chống lại cái chết bằng thơ ca.

Nhưng, theo tôi nghĩ, qua ba tập thơ này, ông dường như còn muốn chu toàn trả nghĩa cho quê hương, những người thân yêu trong gia đình, cho bè bạn muôn nơi và những vùng miền mà ông mang nặng ân tình. Tôi nghĩ, tâm lý này là có thật.

Với một trái tim mẫn cảm nghệ sĩ, ông không thể không nghĩ tới định mệnh, không thể không nghĩ tới một cú đánh cuối cùng của con tạo, mặc dù trong thực tế, ông không muốn thừa nhận, không muốn để lộ ra…

quy-2.jpg
3 tập thơ cuối đời của nhà thơ Trần Quang Quý.

2.Tên của mỗi tập thơ bộc lộ ý đồ khá rõ của tác giả, mỗi tập chụm vào một chủ đề (cách làm này khá nhất quán và có chủ ý của nhà thơ Trần Quang Quý, ngay từ tập thơ “Siêu thị mặt” - 2006). “Miền tỏa bóng” là niềm ân nghĩa của nhà thơ đối với quê hương, nguồn cội, một làng quê bé nhỏ thân thương mang tên Hạ Bì ven sông Đà thuộc Thanh Thủy - Phú Thọ.

“Những nẻo người” hướng về những không gian khác, những phận người khác mà nhà thơ đã đi qua, đã từng “mắc nợ” nghĩa tình và những nỗi niềm nhân thế. “Những sắc màu đa thức”, vẫn những tâm tình ấy, nhưng tập trung vào một hình thức mang ý niệm về một thể thơ mới - thơ năm câu (Namkau) - mà ông là người khởi xướng.

Một cách rất khái quát, qua ba tập thơ gợi lên mấy điểm chính dưới đây:

Thứ nhất, ở tập “Miền tỏa bóng”, nhà thơ tiếp tục trở lại với các tâm tình ân nghĩa đối với quê hương và những người thân yêu trong gia đình. Qua hàng loạt các bài thơ trong tập, cho phép người đọc có thể hình dung có một làng quê trung du ven sông Đà nghèo khó, nhưng kiêu hãnh, nơi nuôi dưỡng ước mơ, những khát vọng đi xa, trưởng thành và cống hiến.

Từ đây, ý niệm tự do như một nhu cầu nội tại, thôi thúc chính nhà thơ và những con người nơi đó vươn tới một đời sống khỏe khoắn, vững chãi, trong tư thế cao quý, kiêu hãnh. Yêu quê, không chỉ biết cảm khái về quê, nâng niu vẻ đẹp làng quê, niềm chịu ơn đối với quê, mà nhà thơ còn biểu đạt những nỗi âu lo về một làng quê đang dần phôi pha trong quá trình biến đổi.

Tôi rất tâm đắc với hình ảnh “Một chiếc bát nhỏ nhoi”, trong đó thi sĩ hình dung chiếc bát như một tiểu vũ trụ chứa đựng hồn làng, lưu giữ những biến thiên của làng, những cuộc đời vừa đẹp đẽ vừa trần ai của người làng: “Trong bát có miền trăng/ có điệu ca dao những đêm tát nước/ bầu ngực em cong tuổi mười tám đang thì/ có nước mắt lặng thầm đọng khô trong vỏ trấu lép/ bay qua những lưng còng trên thửa ruộng nhân gian/(…)/ bưng bát cơm/ tôi bưng cả làng tôi những cánh đồng số phận”…

Ở các tập thơ khác trước đó đến những tập thơ này, nhà thơ có khá nhiều bài/câu viết về người mẹ với bao xúc động. Người ta thường nói, đối với các nam thi sĩ, thơ viết về cha khó hơn và khó hay hơn viết về mẹ, và trên thực tế, những bài thơ hay viết về cha hơi ít.

Nghĩ thế lại thấy bài thơ “Cha tôi” của Trần Quang Quý thật đáng nâng niu, trong đó có những vần thơ giản dị và khua động tâm hồn người đọc: “Cha cô lẻ một mình trên sân gạch/ bước thả bộ sớm mai, nhát chổi quét cuối chiều/ Cha quét rỗng hoàng hôn/ quét tháng ngày cần lao cho lòng thanh thản/(…)/ Mang túi nhãn về xuôi Hà Nội/ con mang theo gốc rễ nối đời làng”.

Bạn đọc đã từng biết đến bài thơ nổi tiếng của nhà thơ xuất hiện từ năm 90 của thế kỷ trước: “Viết tặng em trong ngôi nhà chật”...

Mỗi khi làm thơ về cha mẹ, vợ con, anh em ruột thịt, thơ của thi sĩ họ Trần bao giờ cũng chạm vào chỗ sâu nhất của lòng nhân ái. Đó là những vần thơ trả nghĩa cho quê hương, cho những người yêu dấu. Nghĩ thật sâu, thì ra cái ân tình ấy ở Trần Quang Quý đã có ngay từ những ngày đầu cầm bút, nhưng đến tập thơ này mới hiện lên một cách tập trung, nhất quán, như một hướng đích tự nhiên của người con xa quê đang lúc có vẻ mơ hồ cảm thấy những ngày cuối cùng của đời mình…

Thứ hai, như một chủ ý, nhà thơ dành cả tập thơ hướng về “Những nẻo người”, tức là hướng về những không gian khác, những cuộc đời khác, như một phía khác của quê hương và những người ruột thịt. Tập thơ này chụm vào hai khía cạnh: những ân tình với muôn nơi và bạn bè, tiếp tục suy tư về nhân thế…

Trong đời, nhà thơ cũng là người đi nhiều, thuộc loại quảng giao. Thường thì, những niềm vui ồn ào xã giao rất mau bị tán đi, bốc hơi mất, còn những nỗi buồn thường hay tụ lại, găm vào ký ức, có khi lên men chưng cất thành rượu ngọt, có khi lên vết xước và thành bầm sẹo. Hiểu theo nghĩa ấy, thơ Trần Quang Quý rất đa dạng về trạng thái cảm xúc, với nhiều cung bậc và chiêm nghiệm.

Trong tập thơ này, thấy xuất hiện la liệt các địa danh, có khi rất xa trên bản đồ Tổ quốc, có khi ngay cạnh nơi ông sinh sống hàng ngày, toàn những nơi ông đã từng có mặt, thực sống và nếm trải. Ông đi không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp của tình đất tình người, mà để nhìn ngẫm và chiêm nghiệm về nhân thế và thân thế, về lịch sử và văn hóa...

Thứ ba, xét trên phương diện chủ đề, tập thơ “Những sắc màu đa thức” không có gì thật đặc biệt, vẫn tiếp tục tâm tình trong dòng mạch cảm xúc trữ tình như đã có ở hai tập thơ kể trên. Tuy nhiên, có một điểm lưu ý ở thi phẩm này: Toàn bộ các bài thơ đều nhất quán với dung lượng 5 dòng thơ, mà chính ông là người đặt tên cho nó là thơ Namkau - một cách nghiêng về sự chơi, mô phỏng cách chơi thơ Haikâu của nhà thơ Lê Đạt ngày nào.

Những năm gần đây, một số ý hướng cách tân thơ đã có sáng kiến tạo ra những kiểu thơ định dạng bằng số câu/dòng thơ trong một bài thơ, hoặc là bước nhịp của một bài thơ.

Thí dụ: thơ năm câu do nhà thơ Trần Quang Quý chủ trương; thơ ba câu do nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Hưng Quốc thể nghiệm; thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng tung hứng. Các định dạng thơ này có một điểm chung là nghiêng về sự chơi thơ, tức là bày ra cuộc chơi thơ theo một số luật chơi nhất định. Cách làm này cũng vui ở chỗ đưa ra một luật chơi yêu cầu người chơi phải tuân thủ và đích đến cuối cùng là phải tạo các bài thơ theo đúng nghĩa của nó và nỗ lực để có những bài thơ hay. Người thắng cuộc là người có nhiều bài thơ xuất sắc. Kỷ luật của cuộc chơi cũng chính là yếu tố kích thích sự sáng tạo của mỗi người chơi.

3.Xét một đời thơ, tính đến ba tập thơ cuối cùng này, Trần Quang Quý có 14 tập thơ, xác lập một tên tuổi trong nền thơ Việt Nam hậu Đổi mới.

Tôi cho rằng, ba tập thơ cuối được xem như là chặng nước rút của nhà thơ khi tiên cảm về số phận của mình. Bởi vì là chặng nước rút, cho nên thơ ông vun vén ân nghĩa, yêu thương, đặc biệt dành nhiều hơn cả cho làng quê nơi “chôn rau cắt rốn” và những người thân yêu trong ngôi nhà tuổi thơ và tổ ấm của mình. Thơ ông, tuy có nhiều suy nghiệm về thời thế và nhân thế, nhưng về cơ bản vẫn nghiêng về kiểu thơ tình nghĩa, lấy tiếng nói tình nghĩa làm căn cốt.

“Ai đâu thì đâu tôi còn hẹn cũ

lời hẹn ngàn năm buộc tôi giăng mắc, buộc tôi men bút

là tôi mắc nợ một làn hương xưa”

(Giăng mắc - 4/9/2022).

Con người tình nghĩa hay tự chuốc lấy những “giăng mắc”, những “mắc nợ” đến hết đời cũng là điều dễ hiểu.

Trong suốt cả hành trình thơ của mình, Trần Quang Quý luôn trăn trở làm mới thơ theo nhiều cách khác nhau: từ thơ biểu tỏ tâm tình ở những tập thơ đầu sang thơ suy nghiệm trong “Siêu thị mặt”, rồi đến thơ định dạng Namkau; từ những bài thơ dung dị ân tình kiểu như “Viết tặng em trong ngôi nhà chật” cho đến những bài thơ sắc nhọn dạng như “Mặt”, như “Lời”…

Với ba tập thơ kể trên, một hành trình thơ Trần Quang Quý đã khép lại. Nhưng một đời thơ Trần Quang Quý vẫn còn mở ra và tìm đến những tri âm…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặng nước rút của thơ Trần Quang Quý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO