Nhờ việc thay đổi chính sách xã hội hóa, đặc biệt là Luật Điện ảnh 2022, thị trường điện ảnh nước nhà đang được “chắp cánh” để trở thành một trong những thị trường phim phát triển nhanh nhất châu Á. Tuy nhiên, cùng với những chỉ số tăng trưởng, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần giải tỏa.
Phát triển lệch hướng
Thị trường phim và ngành điện ảnh Việt Nam ngày càng hồi sinh mạnh mẽ nhờ chính sách xã hội hóa của Nhà nước vào đầu thập niên 2000, mà điểm nhấn chính là sự ra đời của bộ Luật Điện ảnh được ban hành vào năm 2006 và mới đây nhất là Luật Điện ảnh 2022. Bộ luật này đã trở thành “hòn đá tảng” cho kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp điện ảnh và trình chiếu phim tại Việt Nam. Việt Nam hiện đã trở thành một trong những thị trường phim phát triển nhanh nhất ở châu Á. Với sự tham gia của các tập đoàn Hàn Quốc như CJ hay Lotte, nhiều ý kiến lạc quan rằng, Việt Nam sẽ trở thành một “Hàn Quốc kế tiếp” trong ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu. Tuy nhiên, những chỉ số thị trường hay lợi thế kể trên không thể truyền tải được hết bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà.
Theo nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, trong khi chúng ta có thể gây ấn tượng với người ngoài, thì nhiều người trong cuộc vẫn quan ngại với tình hình hiện tại. Ở đó, nhiều nhà sản xuất không có nền tảng về nghệ thuật sáng tạo, chỉ đơn thuần là doanh nhân hoặc nhà tài chính. Thị trường điện ảnh đang phát triển nhanh và nhiều nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng từ đây. Năng lực tài chính của họ rất mạnh khi dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn và vì vậy dễ dàng tạo ra ảnh hưởng lớn. Chính họ là những người đề ra sáng kiến thành lập các công ty con để chuyên quản lý tài chính cho các hãng phim tên tuổi, giúp hệ thống trở nên chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, những nhà đầu tư này thường không có đủ kinh nghiệm trong việc sản xuất phim. Do đó, họ khá mù mờ trong việc đưa ra ý tưởng, sáng tạo để làm nên một bộ phim hay.
Cũng theo nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, đa số nhà đầu tư chỉ coi việc làm phim như một thương vụ có thể thu hồi vốn nhanh chóng. Với tâm thế ấy, họ chỉ cốt làm sao để có phim chiếu càng nhanh càng tốt mà chưa nghiêm túc trong quá trình làm kịch bản, sản xuất hay hậu kỳ. Họ quan niệm đơn giản rằng chỉ cần sự có mặt của vài người nổi tiếng là đủ để tạo ra một “cú hích” phòng vé. Các bộ phim bị gắn mác “thảm họa” chủ yếu đến từ nhóm nhà sản xuất này bởi chúng được thực hiện theo kiểu hấp tấp, hời hợt như vậy. Một số phim thậm chí còn không thể ra rạp bởi không có nhà phát hành nào muốn dính líu tới các dự án có chất lượng tệ. “Một vấn đề đáng suy nghĩ khác là nhóm nhà sản xuất này không có sự cam kết gắn bó lâu dài. Họ tham gia ngành công nghiệp điện ảnh vì lợi nhuận và chỉ ở lại nếu còn có lợi nhuận. Tầm nhìn của họ rất ngắn hạn, lợi nhuận từ các bộ phim có thể được chuyển sang đầu tư vào những mảng khác, trong khi lẽ ra nên được tái đầu tư để phát triển ngành điện ảnh” – ông Tuấn bày tỏ.
Vượt khó
Ở thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam vẫn đang phát triển cơ sở hạ tầng với tốc độ rất nhanh. Với nền tảng kỹ thuật có chất lượng và ngày một lớn mạnh, việc sản xuất phim chiếu rạp đang dễ dàng hơn bao giờ hết. Song vấn đề đặt ra ở đây là: Liệu chất lượng phim Việt có theo đó mà được nâng cao tương ứng hay không?
Theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, có nhiều vướng mắc trong phát hành, phổ biến phim, ngay cả trước đại dịch Covid-19, thời điểm đang trên đà phát triển nhanh nhưng thị trường điện ảnh cũng tồn tại nhiều bất cập. Hơn 60% phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim, công ty nước ngoài sở hữu số lượng rạp lớn có biểu hiện thống lĩnh thị trường, áp đặt tỷ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim khiến các công ty sản xuất và phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí phá sản.
Không những vậy, có một thực tế hiện nay, thị trường điện ảnh tại Việt Nam phát triển chủ yếu từ doanh thu phim nhập (chiếm đến hơn 70% doanh số), bởi vì khi ký kết Hiệp định Thương mại WTO, Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch phim nhập. Phim nước ngoài áp đảo phim Việt khi ra rạp (40 phim Việt Nam hàng năm phải “đương đầu” với hơn 200 phim nhập ngoại). Điều này dẫn đến tâm lý chuộng phim ngoại. Cùng với đó, nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm chưa đến 30%. Phim đặt hàng của Nhà nước phát huy hiệu quả xã hội chưa cao, số phim có thể ra rạp đếm trên đầu ngón tay…
Nhìn chung, để xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam, chúng ta cần một sự đồng bộ về tư duy đổi mới và giải pháp cụ thể cho hai lĩnh vực cốt lõi là sáng tạo - sản xuất phim và phát hành - phổ biến phim. Ở đó, theo TS Ngô Phương Lan, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân, cơ sở và doanh nghiệp điện ảnh bán phim Việt Nam để phát hành và chiếu ở nước ngoài dưới mọi hình thức. Đồng thời quan tâm và triển khai việc khai thác phim Việt Nam ở thị trường nước ngoài trong và sau thời gian chiếu phim (kể cả việc phát triển các sản phẩm “ăn theo” phim) nhằm tận thu cho phim. “Việc liên kết giữa điện ảnh với truyền hình và các nền tảng số giúp tối ưu hóa giá trị tác phẩm điện ảnh, phổ biến rộng rãi, linh hoạt nhất” - bà Lan bày tỏ.