Đưa Luật Điện ảnh vào cuộc sống

Minh Quân 28/09/2022 06:00

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 (Luật Điện ảnh 2022) đã kế thừa và có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều và quy định so với Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, để bảo đảm việc triển khai thi hành Luật hiệu quả cần sự thống nhất, đồng bộ từ hệ thống pháp luật cho đến quá trình áp dụng vào thực tế.

Đưa Luật Điện ảnh 2022 vào thực tế cuộc sống.

Băn khoăn tỷ lệ phát sóng phim Việt

Sau khi được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/6/2022, Luật Điện ảnh 2022 gồm 8 chương, 50 điều. Trong đó, có các điểm mới như bổ sung các thuật ngữ “Công nghiệp điện ảnh”, “Phân loại phim”, “Phim Việt Nam”, “Trường quay”… đặc biệt là khái niệm về “Phim”. Bên cạnh đó là các quy định, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; Chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam; Phát hành và phố biến phim; Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh…

Theo đánh giá chung, Luật Điện ảnh 2022 có nhiều điều chỉnh phù hợp thực tiễn nhưng cũng cần tiếp tục làm rõ hơn nhiều nội dung trong Nghị định hướng dẫn thi hành và nhiều nội dung tại dự thảo Nghị định chưa phù hợp. Mới đây, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị - hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.

Theo Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, quy định về tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam là 30% của dự thảo cần phải được xây dựng đồng bộ với các chính sách khuyến khích sản xuất phim Việt Nam để đảm bảo tính khả thi. Tránh trường hợp cung không đủ cầu, dẫn tới tăng giá bản quyền phim do các đơn vị phát sóng phải cạnh tranh để mua bản quyền trong khi không có các phim có chất lượng tốt để phát sóng.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng nhận định, trên thực tế tỷ lệ phát 30% phim Việt Nam là rất khó khả thi với các đài truyền hình trong nước, đặc biệt là những Đài có quy mô vừa và nhỏ cũng như các kênh truyền hình được sản xuất để phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền. Để đảm bảo tính khả thi của quy định về tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam và sự đồng bộ với chính sách khuyến khích phát triển điện ảnh trong nước, nên để tỷ lệ là 10% thay vì 30%. Về lộ trình áp dụng nên xây dựng phương án tỷ lệ tăng dần theo thời gian, có lộ trình từng giai đoạn và tính đến tình hình sản xuất phim Việt Nam tại thời điểm đó, đơn vị nào đạt hoặc vượt tỷ lệ theo quy định trước thời hạn sẽ được hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu bài học của nước ngoài, đề nghị xem xét các quy định ưu đãi thuế và ưu đãi khác như hoàn một phần chi phí sản xuất đối với các dự án phim trong nước đạt những tiêu chí nhất định để khuyến khích đầu tư từ cả nguồn vốn trong và ngoài nước cho chất lượng và số lượng phim Việt Nam… “Việc áp đặt thời lượng như vậy là gián tiếp áp đặt thị hiệu đối với người tiêu dùng. Trong khi không có biện pháp khuyến khích sản xuất phim trong nước sẽ dẫn tới hệ quả là người tiêu dùng trong nước sẽ tìm đến nền tảng cung cấp nội dung của nước ngoài” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải bày tỏ.

Còn nhiều nút thắt

Cùng với “khúc mắc” về tỷ lệ chiếu phim Việt Nam trên truyền hình, một số quy định của Luật Điện ảnh 2022 cũng tạo ra những băn khoăn, thậm chí là hoài nghi cho chính những người trong cuộc khi áp dụng vào thực tế.

Theo Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, NSND Lê Hồng Chương, vấn đề quan trọng hiện nay là triển khai Luật Điện ảnh ra sao? “Điều tôi quan tâm nhất chính là tác động của nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất phim. Hiện nay, điện ảnh tư nhân đang có sự phát triển rất lớn, điều đó buộc chúng ta nghĩ đến việc phải làm sao để định hướng phát triển cho nền điện ảnh”- ông Chương nói.

Liên quan đến việc thành lập Quỹ phát triển điện ảnh, NSND Lê Hồng Chương cho rằng, việc chúng ta thành lập Quỹ điện ảnh dù là ngân sách nhà nước hay không cũng phải phù hợp với Luật. Tuy nhiên, nếu chúng ta lấy ngân sách và có sự định hướng của nhà nước cho Quỹ điện ảnh hay sản xuất phim nói chung thì bản thân những người làm điện ảnh cũng sẽ rất quan tâm, giống như phương án của Pháp và một số nước châu Âu hiện nay. Bởi vì nếu họ đầu tư vào điện ảnh, thu lại và tái đầu tư vào nó dưới sự điều hành của nhà nước thông qua các công cụ tài chính và chính sách thì sẽ phát huy được hiệu quả.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, đạo diễn Dương Cẩm Thúy cũng ủng hộ việc ra đời Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh để tạo điều kiện khuyến khích, phát triển và ươm mầm tài năng trẻ. Tuy nhiên, Quỹ này cần phải được sơ kết, tổng kết định kỳ để người hoạt động lĩnh vực này được biết, nắm rõ...

Còn theo Tổng giám đốc BHD Ngô Thị Bích Hạnh, hiện nay, giấy phép quay phim đang rất phức tạp, có địa điểm phải xin tới 4, 5 giấy phép rất mất thời gian. “Tôi mong muốn chúng ta có thể học tập cách làm giống như Singapore, chỉ cần có giấy thông báo cho các cơ quan chức năng. Ngoài ra, sẽ rất tốt nếu chúng tôi được hỗ trợ, giảm kinh phí hay giá vé tới các địa điểm danh lam thắng cảnh để quay phim”-bà Hạnh chia sẻ.

Theo kế hoạch, Bộ VHTTDL đăng tải dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin của Bộ trong 20 ngày để tiếp tục lấy ý kiến. Cùng với đó, Bộ VHTTDL cùng cơ quan soạn thảo sẽ có những điều chỉnh phù hợp trước khi trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa Luật Điện ảnh vào cuộc sống