Sau nhiều lần trải qua các đợt giãn cách rồi nới lỏng để đối phó với Covid-19, châu Âu đang dịch chuyển sang chiều hướng dài hạn, coi đây là kiểu dịch theo mùa. Nhiều nước bắt đầu thay đổi chiến lược, từ chấm dứt đại dịch sang chọn học cách sống chung kèm theo nhiều quy định phòng dịch.
Người dân sẵn sàng tâm lý
Chính quyền nhiều nước châu Âu đang lên kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường, áp dụng quy định đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên, thực hiện giãn cách xã hội hạn chế để kiểm soát virus trước đợt dịch thứ ba trong mùa đông này.
Sự thay đổi chiến lược này cũng nhận được hậu thuẫn vững vàng từ cộng đồng, khi mà người dân châu Âu về cơ bản đều thông cảm, chấp thuận các biện pháp kiểm soát xã hội để phòng dịch.
Từ ngày đầu tháng 8, ông bà Froment - công chức Bộ Kinh tế Bỉ lại có thể mời khách tới nhà ăn tối, nhưng cũng chỉ được tối đa 8 người kể cả chủ nhà. Tiến bộ này là kết quả từ việc Vương quốc Bỉ tiếp tục nới lỏng dần, mục tiêu 70% dân số trưởng thành tiêm đủ 2 liều vaccine đã hoàn thành vào cuối tháng 7. Ai nấy đều vui mừng, nhưng chưa hết tâm trạng bất an.
“Tất cả chúng tôi vẫn có cảm giác, có gì đó chưa chắc chắn. Không biết liệu có thể quay lại cuộc sống như trước hay không, hay là phải đợi vài năm nữa, vì Covid-19 vẫn còn đó. Vẫn lo ngại và thèm được sống như ngày xưa”, ông Pascal Froment nói.
Những người như ông Pascal Froment hiểu rằng, bây giờ, dù có nới lỏng tới đâu thì vẫn luôn có những bó buộc, khó chịu mấy cũng vẫn phải theo.
Bà Marie-France Vandermissen, một kiểm soát viên không lưu sân bay Bruxelles nói: “Đi đâu cũng phải mang khẩu trang. Có lần tôi vào cửa hàng, mọi người nhìn tôi kêu lên ‘Khẩu trang! Khẩu trang!’. Bây giờ quá nhiều gò bó trong công việc, trong cuộc sống, khi chơi thể thao”.
Người dân nhiều nước châu Âu không còn bị bắt buộc phải mang khẩu trang ngoài trời, nhưng hễ vào bên trong là phải nhớ tới khẩu trang, chỉ trừ trong quán, khi ngồi ăn uống. Quán xá được mở lại cũng phải thỏa mãn vô số điều kiện ngặt nghèo như thông gió tốt, giãn cách bàn, lắp tấm chắn, kẻ lối đi. Tốn kém nhất là hệ thống khử trùng không khí.
Ông Jean-Philippe Bosman - Chủ quán Le Roy d’Espagne cho biết: “Tôi nghĩ mọi người đã quen với việc sống chung với virus. Virus sẽ không giảm đi, cũng không biến mất được ngay, vì thế chúng ta buộc phải tổ chức cuộc sống theo cách khác. Sau hơn một năm dịch bệnh, giờ mọi người cũng quen thực hiện những hành vi, mà trước đây một năm vẫn cho là phi lý không thể thực hiện được”.
Điều chỉnh chiến lược
Một điều dễ nhận thấy là người châu Âu chưa bao giờ kỳ vọng đại dịch chấm dứt ở khu vực khi vẫn có những ổ dịch lẻ tẻ bùng phát vào mùa xuân và mùa hè vừa qua. Đức – nước chưa bao giờ dỡ hạn chế toàn bộ, tuyên bố, chỉ có những người đã tiêm vaccine, những người nhiễm Covid-19 và đã hồi phục hoặc là người có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được lui tới nhà hàng, bệnh viện và các địa điểm trong nhà. Đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc đối với người dân khi ở trong không gian kín hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bất kể là đã tiêm hay chưa tiêm vaccine.
Một số nước, trong đó có Pháp và Italy, đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch phòng bệnh, khi áp quy định chỉ người tiêm vaccine, người đã khỏi bệnh sau khi nhiễm và người có xét nghiệm âm tính mới được tham gia các hoạt động hàng ngày. Nhân viên nhà hàng nếu không làm nhiệm vụ kiểm tra khách hàng theo các tiêu chí trên có nguy cơ bị phạt tiền lên tới 9.000 euro hoặc 1 năm tù giam.
Chính quyền Italy còn đang hướng đến một cuộc chiến kéo dài. Nước này vận hành hệ thống theo thang màu, sử dụng một bộ thông số kĩ thuật để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở từng khu vực. Nặng nhất là vùng đỏ, kế đến là vàng, xanh và trắng.
Ngoài những điều chỉnh về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine cũng là một giải pháp lớn để từng bước sống chung với đại dịch. Thực tế cho thấy, những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao đều chung khẳng định rằng, có một sự khác biệt đáng kể giữa các làn sóng dịch bệnh. Cụ thể là số lượng ca nhiễm có diễn biến nặng, buộc phải nhập viện và tử vong đều giảm mạnh so với những làn sóng dịch bệnh trước đây.
Minh chứng rõ nét cho sự khác biệt này là Vương quốc Anh với số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày và là 1 trong 3 quốc gia có số ca nhiễm mới mỗi ngày cao nhất thế giới, cùng Brazil và Indonesia. Dẫu vậy, số ca nhập viện và số ca tử vong do Covid-19 đều giảm mạnh. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong hiện thấp hơn 1/1.000 ca nhiễm, so với tỷ lệ 1/60 vào cuối năm ngoái.
Giới chức và các nhà khoa học của quốc gia dẫn đầu thế giới về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 này đánh giá, chương trình tiêm chủng được triển khai mạnh mẽ đã tạo nên hiệu quả rất lớn, giúp đạt được tỷ lệ giảm này. Cơ quan chức năng của Anh đánh giá, hiệu quả ngăn ngừa số ca nhập viện do mắc Covid-19 ở người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine lên tới trên 90%.
Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng, miễn dịch cộng đồng là điều vẫn còn xa và thậm chí sẽ không bao giờ đạt được trước sự xuất hiện của các biến thể mới. Các cơ chế về cách ly, hạn chế di chuyển đối với những ca nhiễm Covid-19 vẫn phổ biến ở châu Âu và gần như chắc chắn sẽ còn tiếp tục được áp dụng, ngoại trừ Anh, nước chọn cách tiếp cận khác biệt.
Tiêm mũi vaccine tăng cường cho người lớn tuổi hoặc nhóm dễ bị tổn thương là giải pháp mới vừa được Anh và Đức phê chuẩn. Nhiều nước trong EU cũng mở rộng xét nghiệm đại trà, định kỳ để phát hiện ca nhiễm và tăng cường hệ thống truy vết tiếp xúc thay vì giảm hay từ bỏ.
Wall Street Journal dẫn phân tích từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu và chính phủ Anh cho biết, số ca mắc đang có chiều hướng giảm tại châu Âu với số ca mắc trung bình trong 7 ngày tính đến ngày 15/8 tại Liên minh châu Âu và Anh là 95.500 ca, hoặc 186 ca mắc/1 triệu người, giảm 14% so với mức đỉnh điểm cuối tháng 7.