Thời gian qua đã có nhiều đề án, chương trình nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng nhìn từ kết quả thi môn Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 thấp, cho thấy sự chuyển biến của môn học này chưa rõ nét.
Ảnh minh họa.
Thiếu giáo viên đạt chuẩn
Theo thống kê của Bộ GDĐT, có 43/63 địa phương đã triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh. Số lượng học sinh (HS) học chương trình tiếng Anh 10 năm cũng tăng lên qua các năm. Tuy nhiên, nhìn chung số lượng HS được học chương trình ngoại ngữ mới theo đúng thời lượng còn thấp. Đặc biệt, khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo viên (GV) đạt chuẩn tại tất cả các địa phương đang là một thách thức lớn.
Cụ thể, vấn đề thiếu GV ngoại ngữ, đặc biệt thiếu thầy cô đủ chuẩn ở mọi cấp học, đặc biệt là cấp THPT là một trong những vướng mắc từ khi thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020 đến nay vẫn chưa cải thiện được nhiều. Hiện tỷ lệ GV đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam còn thấp: Cả nước đạt 69%, trong đó tỷ lệ GV tiểu học và THCS là 71%, GV THPT là 59%.
Nếu lấy kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia làm thước đo thì kể từ năm 2015 (năm ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc), điểm thi môn này luôn “đội sổ” so với các môn thi khác. Cụ thể, theo thống kê của TS Nguyễn Đức Nghĩa- nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh, năm 2015, vùng phổ điểm môn Tiếng Anh chủ yếu tập trung ở mức 2-3,5 điểm. Năm 2016,2017 và 2018, điểm trung bình của môn tiếng Anh là 3,22; 4,46 và 3,91. Số học sinh đạt điểm dưới trung bình ở mức rất đáng báo động. Năm 2016: 80% thí sinh có điểm dưới trung bình. Năm 2017: 69%. Năm 2018: 78,22%.
Địa phương liên tục dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn ngoại ngữ 5,06 năm 2018 là TPHCM. Đây cũng là địa phương duy nhất có điểm trung bình ngoại ngữ trên 5. Hà Nội chiếm vị trí thứ 2 nhưng đến 30% HS có điểm thi từ 3 trở xuống.
Những con số “biết nói” này cho thấy một thực tế là những nỗ lực để cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Cần sàng lọc giáo viên ngoại ngữ
Năm 2018, gần 6.000 GV ngoại ngữ trên cả nước đã được Bộ GDĐT giao cho 10 cơ sở giáo dục có nhiều kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng.
Tại nhiều tỉnh thành cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ. Theo Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa, bà Phạm Thị Hằng, tỉnh này đã xây dựng Đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, trong đó đề ra nhiều giải pháp nhưng trước hết buộc phải nâng cao năng lực ngoại ngữ của GV.
Dự kiến, từ ngày 9 đến 10/3/2019, Sở sẽ khảo sát 630 GV tiếng Anh về quy định, quy chế khảo sát tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc GV tiếng Anh sẽ tham gia khảo sát gồm: Số GV chưa đạt chuẩn; GV chưa tham gia khảo sát, đánh giá; GV đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ sau khảo sát nhưng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GDĐT.
Đối với đợt 2, sẽ triển khai khảo sát cho 550 GV tiếng Anh, bao gồm: Số lượng GV đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; GV tự bồi dưỡng đạt chuẩn tính từ năm 2011 đến nay. Dự kiến tổ chức từ ngày 20 đến ngày 21/4/2019.
Tại Hải Dương, tỷ lệ GV đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu hiện mới đạt hơn 77%. Tỷ lệ trường áp dụng chương trình tiếng Anh 4 tiết/tuần chiếm 70% tổng số trường.
Sở GDĐT Hải Dương đề nghị tỉnh quan tâm kinh phí thực hiện các mục tiêu bồi dưỡng GV, tăng cường cơ sở vật chất, tăng số phòng học ngoại ngữ cho các trường và ưu tiên hợp đồng đủ GV theo yêu cầu.Đặc biệt lưu ý nguy cơ một số GV tiếng Anh ở tiểu học bỏ nghề do ngoại ngữ mới là môn tự chọn ở tiểu học.
Nói như TS Nguyễn Hữu Ninh- Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển (VUSTA) thì không được ngại, không sợ dốt, sợ đánh giá không đạt yêu cầu thì xấu hổ. Các thầy cô, hơn ai hết phải nhận thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, biến nhận thức thành hành động cụ thể.