Ngày 27/12, khu vực Hà Nội tiếp tục bị bao phủ một lớp sương mờ mịt. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi tại Hà Nội ở mức kém và xấu.
Chất lượng không khí ở TP Hà Nội ở mức kém và xấu
Theo cập nhật số liệu từ cổng thông tin môi trường UBND TP Hà Nội, ngày 27/12, trong nội thành, các điểm quan trắc có chỉ số AQI ở ngưỡng xấu có hại cho sức khỏe con người gồm: Phạm Văn Đồng là 183, Hàng Đậu 178, Lý Thái Tổ 173, Hà Đông 169, Cầu Diễn 167, Bắc Từ Liêm 165, Thành Công và Chi cục Bảo vệ môi trường cũng có chỉ số 165. Các khu vực còn lại, chỉ số AQI dao động từ 106 đến 164.
Nguyên nhân chất lượng không khí kém
Từ đầu tháng 12 đến nay, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội đột ngột giảm mạnh về đêm và sáng sớm. Có những thời điểm, 30/35 trạm quan trắc có chỉ số AQI ở mức cảnh báo kém.
Đặc biệt, trong một số ngày, ở các trạm đo khu vực Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Chi cục Bảo vệ môi trường và Thành Công, chỉ số AQI tăng lên mức cảnh báo xấu (từ 151 đến 200), ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Có 3 yếu tố chính gây ra hiện tượng này, đó là: Các chất ô nhiễm do hoạt động của giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp trong nội đô tích tụ từ chiều hôm trước không khuếch tán được; gió mùa Đông Bắc đưa bụi mịn từ bên ngoài vào Hà Nội và sự thay đổi của thời tiết.
Trong đó, sự thay đổi của thời tiết tác động rõ rệt nhất đến sự tăng - giảm chất lượng không khí trong những ngày qua. Thời tiết ở Hà Nội đang trong giai đoạn khô hanh, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng là điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vào buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp không khí phía trên do quá trình bức xạ hồng ngoại khiến bụi mịn PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Chỉ đến khi có ánh nắng mặt trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất ô nhiễm và bụi mịn mới được phát tán.
Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ, đốt rác xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội cũng là một nguyên nhân tác động đến chất lượng không khí.
Ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân
Mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá, và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn quá nhiều muối.
Cụ thể, 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người.
Đặc biệt, ô nhiễm không khí tác động mạnh đối với những người dễ bị cảm thụ, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...
Biện pháp phòng tránh, bảo vệ sức khoẻ trước vấn đề ô nhiễm không khí
Trong khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao, người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, không mở cửa sổ vào sáng sớm, đeo khẩu trang khi ra ngoài, trồng nhiều cây xanh quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đồng thời, người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hạn chế việc đốt vàng mã quá nhiều vào các dịp ngày rằm, mồng 1; hạn chế việc đốt rơm rạ; sử dụng các nhiên liệu sạch để đun nấu, không dùng bếp than tổ ong; tích cực trồng thêm cây xanh.