TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã đề cập đến vấn đề trên khi nói về mô hình “thành phố trong thành phố” của Hà Nội.
PV: Thưa ông, trong quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065, chính quyền thành phố vẫn giữ nguyên định hướng hình thành các đô thị vệ tinh, tuy nhiên đề xuất mô hình “thành phố trong thành phố”, với thành phố phía Bắc và phía Tây trực thuộc Thủ đô. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
TS Thang Văn Phúc: Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu, trước kia đã xác định 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Nghĩa là định hướng và quy hoạch đã có, bây giờ cần quyết tâm triển khai thực hiện. Vấn đề này triển khai cần có thứ tự ưu tiên chứ không phải triển khai được ngay cùng một lúc.
Hiện nay chúng ta đang triển khai xây dựng khu đô thị Hòa Lạc, có khu công nghệ cao và đại học quốc gia. Sau đó mới tiến hành triển khai đối với các nơi khác. Như tới đây một số huyện sẽ trở thành quận. Khi đủ điều kiện về vấn đề khu đô thị thì mới hình thành “thành phố trong thành phố” được.
Mô hình “thành phố trong thành phố” không chỉ là câu chuyện giảm ùn tắc cho Thủ đô mà còn mở ra các hướng phát triển mới, thưa ông?
- Đô thị là trung tâm phát triển của một khu vực, địa phương. Với những áp lực trong nội đô như giao thông, dân số thì việc phát triển, hình thành “thành phố trong thành phố” sẽ giúp kéo giãn nội đô. Làm được như thế thì tới đây khu vực nội đô có thể trở thành “trung tâm chính trị, văn hóa”. Còn các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện cần có kế hoạch đưa ra khỏi khu vực nội thành, kéo giảm dân cư. Đây là vấn đề nhiều nước đã áp dụng. Thậm chí Malaysia họ còn để Thủ đô cũ như vậy và xây dựng một trung tâm hành chính mới trông rất đẹp và hiện đại; nó tách hẳn khỏi Thủ đô.
Cho nên đáng ra bên trong nội thành của Hà Nội nên là trung tâm hành chính. Còn lại thì dân cư, trường học để ở các thành phố vệ tinh, “thành phố trong thành phố”. Đây là hướng đi tốt mà các nước đã làm, áp dụng và thành công rồi. Cấu trúc của một đô thị phát triển với dân số trên 10 triệu dân là phải như vậy.
Nhưng triển khai mô hình “thành phố trong thành phố” tại Thủ đô cũng có nhiều vấn đề cần lưu ý, thưa ông?
- Thứ nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối. Thứ hai là vấn đề quản trị cũng phải tương xứng. Vì thế phải có cấu trúc quy hoạch phù hợp và cần đội ngũ cán bộ quản trị đô thị ở mức độ cao. Bây giờ đội ngũ cán bộ còn hạn chế thì phải đào tạo sao cho tương thích với mô hình “thành phố trong thành phố”. Bởi xã hội mới phải có con người mới, có cách quản trị mới. Như thế mới tương xứng và đồng bộ từ kết cấu và tiện ích thì mới được.
Hiện vấn đề “thành phố trong thành phố” cũng được đề cập trong Luật Thủ đô sửa đổi. Vậy cũng cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện cho mô hình này phát triển, thưa ông?
- Lúc làm Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ từ đầu năm 2000, tôi đã đề xuất nước ta muốn phát triển ở 2 đầu thì cần Luật Thủ đô và Luật cho TP Hồ Chí Minh. Vừa qua Quốc hội đã ban hành cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng nghị quyết không thể nào bao quát hết được các vấn đề như luật. Đã là Nhà nước pháp quyền XHCN thì luật là cao nhất.
Cho nên việc phân quyền phải mạnh, trao quyền mạnh thì mới chủ động, tự chủ tự chịu trách nhiệm. Lúc đó cán bộ tài năng mới được bộc lộ. Vì thế bây giờ cần làm từng bước để phát triển các khu Hòa Lạc, Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Xuân Mai. Đây là vấn đề cần triển khai từng bước chứ không phải muốn là làm được ngay. Các vùng ở Hà Nội hiện nay mới có khu vực Hòa Lạc là có khu công nghệ cao và đại học quốc gia còn các nơi khác chủ yếu vẫn là đất nông nghiệp, chưa có các khu đô thị. Chỉ 1 quyết định hành chính là có thể thành lập được “thành phố trong thành phố” nhưng cái chính là bên trong, từ thể chế, cơ sở hạ tầng, con người để cho nó vận hành theo đúng một đô thị thuộc thành phố.
Trân trọng cảm ơn ông!