Ngày 10/3, Cơ quan về Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, châu lục này đã đã ghi nhận một mùa đông nóng cùng khô hạn khác thường. The Guardian dẫn nghiên cứu của nhà khí tượng học Maximiliano Herrera, ít nhất 8 quốc gia châu Âu, trong đó có Ba Lan, Đan Mạch, Cộng hòa Czech, Hà Lan, đã phải vượt qua mùa đông ấm chưa từng có trong lịch sử.
Điều đó càng dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, khi mà mùa hè 2022, châu Âu ghi nhận nóng nhất trong vòng 100 năm.
“Những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 thật khác lạ với phần lớn các vùng lãnh thổ châu Âu. Thật không thể hình dung ở Korbielow (Ba Lan), nhiệt độ dao động ở mức 19°C, cao hơn 18°C so với mức trung bình 1°C vào tháng 1 hàng năm. Với nền nhiệt như vậy, trước đây người ta chỉ thấy ở tháng 5” - tiến sĩ M.Herrera nói.
Trong cùng thời điểm, nhiệt độ ở thủ đô Berlin của Đức cũng lên tới 16°C. Ở Javornik (Cộng hòa Czech), nhiệt độ là 19,6°C, so với mức trung bình 3°C vào thời điểm này hàng năm. Trong khi đó, miền bắc Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp cũng đã phải trải qua những ngày mà nền nhiệt lên đến 25°C.
"Chúng tôi coi đây là hiện tượng thời tiết cực đoan nhất trong lịch sử châu Âu" – tiến sĩ M.Herrera nói. Còn tiến sĩ Alex Burkill - chuyên gia khí tượng tại Cơ quan thời tiết quốc gia Vương quốc Anh bình luận: "Nhiệt độ cao cực đoan đang trải khắp một vùng rộng lớn của châu Âu, điều chưa từng xảy ra".
Trong khi đó C3S cho biết nhiệt độ đặc biệt cao ở Đông Âu và phía bắc các nước Bắc Âu. Một mô tả của Reuters cho thấy, châu Âu đã trải qua một mùa đông dị thường. Nhiệt độ cao kỷ lục đã ảnh hưởng từ Pháp đến Hungary, buộc các khu trượt tuyết phải đóng cửa vì không đủ tuyết.
“Mùa đông ôn hòa mang lại một số lợi ích ngắn hạn cho các chính phủ trước tình trạng giá năng lượng tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiệt độ cao gây rủi ro cho động vật hoang dã và nông nghiệp. Nhiệt độ mùa đông tăng đột biến có thể khiến thực vật bắt đầu sinh trưởng hoặc khiến động vật kết thúc kỳ ngủ đông sớm hơn dự kiến. Điều này sẽ khiến các loài sinh vật này dễ bị tổn thương hơn trong những đợt lạnh sau đó” - bà Tilly Collins, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách môi trường thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) nói đồng thời nhấn mạnh khí hậu thay đổi có nghĩa là thực vật và động vật đang phải vật lộn để di chuyển đến các địa điểm mới để duy trì nhiệt độ lý tưởng.
"Đối với các loài có quần thể nhỏ hoặc phạm vi hạn chế, điều này có thể dễ dàng đưa chúng đến con đường tuyệt chủng" - bà T.Collins cảnh báo.
Trong báo cáo công bố mới đây, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết một số nước châu Âu đã ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục trước khi mùa đông chấm dứt. Tần suất không khí lạnh và những ngày sương giá rất ít xảy ra. Đại diện WMO cảnh báo, mùa đông ấm khác thường của châu Âu là dấu hiệu của thời tiết cực đoan năm 2023 và thời tiết cực đoan có thể đưa đến những điều tồi tệ.
WMO cho rằng, châu Âu đã ấm lên gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong 30 năm qua, tính từ tháng 5/2022 đến hết tháng 2/2023.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: "Châu Âu thể hiện một bức tranh trực tiếp về một thế giới đang nóng lên và nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả những xã hội được chuẩn bị tốt cũng không an toàn trước tác động của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt". Dẫn nghiên cứu của WMO, ông P.Taalas lưu ý, từ năm 1992 đến 2022, trong vòng 30 năm thì trung bình cứ 10 năm nhiệt độ trên toàn châu Âu lại tăng 0,5oC; trong khi mức trung bình toàn cầu chỉ là 0,2oC. Năm 2022, thời tiết cực đoan đã lấy đi của châu Âu hơn 50 tỉ USD.
Giới khoa học cho rằng, lý do châu Âu ấm lên nhanh hơn các lục địa khác là do một phần lớn lục địa nằm ở cận Bắc Cực và Bắc Cực - khu vực ấm lên nhanh nhất trên Trái đất, cũng như những thay đổi trong phản ứng khí hậu. Freja Vamborg - nhà khoa học cấp cao của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus, phân tích: "Ví dụ, ít mây hơn ở châu Âu trong mùa hè có nghĩa là nhiều ánh sáng mặt trời hơn và nhiệt sẽ tràn đến lục địa này". F.Vamborg còn gọi châu Âu là "điểm nóng sóng nhiệt" vì số lượng sóng nhiệt trên lục địa này tăng nhanh hơn so với các khu vực khác do sự thay đổi của hoàn lưu khí quyển.
Đối mặt với sự gia tăng nhiệt độ, châu Âu đang tập trung nỗ lực vào việc cắt giảm lượng khí thải 55% vào năm 2030. Tuy nhiên điều đó cũng khó thu được kết quả như ý vì biến đổi khí hậu đã mang tính toàn cầu.
Ngày 10/3, đợt đầu tiên của chuỗi dòng sông khí quyển ập đến California (Mỹ), mang theo nguy cơ mưa lớn, lụt và bão tuyết trên diện rộng. Thống đốc Gavin Newsom đã phải mở rộng phạm vi ban bố tình trạng khẩn cấp. California đang đối mặt bão khí quyển hình thành ở Thái Bình Dương. Các chuyên gia dự báo thời tiết cảnh báo nguy cơ ngập lụt trên diện rộng do mưa lớn sẽ xảy ra cho đa số khu vực tiểu bang, bao gồm những vùng núi hiện vẫn phủ đầy tuyết sau các đợt bão tuyết gần đây.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) công bố cảnh báo về những cơn mưa đặc biệt lớn, cũng như gió dữ cho nhiều khu vực ở miền bắc và miền trung California, bao gồm các vùng đô thị xung quanh Vịnh San Francisco và Sacramento. Khi bão đạt đỉnh điểm, mưa lớn và ngập lụt ảnh hưởng tới gần 26 triệu người.
Nhà dự báo thời tiết David Roth của NWS cho biết, những trận mưa bão đó “là sản phẩm” của hiện tượng dòng sông khí quyển: dòng chảy hơi ẩm cận nhiệt đới từ khu vực Thái Bình Dương xung quanh Hawaii di chuyển đến Bờ Tây Mỹ. Đây cũng là bão dòng sông khí quyển thứ 10 kể từ Giáng sinh năm ngoái.