Châu Phi tiếp tục có những diễn biến dịch bệnh khả quan ngay cả khi biến thể Omicron đang hoành hành ở nhiều nơi. Đây đang là câu hỏi lớn cho các nhà khoa học bởi trên thực tế, nhiều nước có thu nhập cao hơn, có sự chuẩn bị tốt hơn lại chịu ảnh hưởng lớn hơn.
Tín hiệu khả quan
Ngày 15/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 ở châu Phi đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, đánh dấu sự sụt giảm lâu nhất chưa từng thấy của căn bệnh này tại châu lục.
Theo WHO, các ca mắc Covid-19 liên quan biến thể Omicron đã giảm từ mức cao nhất với hơn 308.000 ca/tuần xuống còn dưới 20.000 ca vào tuần trước. Số người mắc mới và tử vong giảm lần lượt 29% và 37% trong tuần trước.
WHO cho biết: “Mức độ lây nhiễm thấp này đã không được ghi nhận kể từ tháng 4/2020 trong giai đoạn đầu của đại dịch ở châu Phi”, đồng thời lưu ý rằng, không có quốc gia nào trong khu vực hiện đang chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mắc Covid-19. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo rằng, mùa đông đang đến gần ở các nước Nam bán cầu, “có nhiều nguy cơ bùng phát một làn sóng nhiễm trùng mới”. Virus corona lây lan dễ dàng hơn ở nhiệt độ lạnh khi mọi người có xu hướng tập trung đông người trong nhà.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết: “Việc virus vẫn đang lưu hành và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có khả năng gây tử vong cao hơn, các biện pháp kiểm soát đại dịch vẫn là then chốt để đối phó hiệu quả với sự gia tăng ca nhiễm mới”.
Đầu tuần này, WHO cho biết, các nhà khoa học ở Botswana và Nam Phi đã phát hiện ra các dạng biến thể Omicron mới, được dán nhãn là BA.4 và BA.5, nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu chúng có thể lây truyền hay nguy hiểm hơn hay không.
Đến nay, các phiên bản mới của Omicron đã được phát hiện ở 4 người ở Botswana và 23 người ở Nam Phi. Ngoài châu Phi, các nhà khoa học đã xác nhận các trường hợp ở Bỉ, Đan Mạch, Đức và Vương quốc Anh. WHO cho biết, cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy các biến thể phụ mới lây lan khác với biến thể Omicron ban đầu.
Sự sụt giảm ở châu Phi phù hợp với việc giảm số lượng ca mắc Covid-19 trên toàn cầu, mặc dù ở Trung Quốc, các quan chức lo ngại nước này vẫn chưa kiểm soát được sự gia tăng mới nhất về các trường hợp liên quan đến biến thể Omicron, mặc dù chính sách tiếp cận “không khoan nhượng” đã kích hoạt ba lần khóa cửa ở Thượng Hải, nơi ít nhất 15 triệu người vẫn bị cấm ra ngoài.
Trong khi đó, nhìn chung, các ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã giảm mạnh sau khi đạt mức kỷ lục vào tháng 1, nhưng sự gia tăng các ca bệnh ở các khu vực châu Á và châu Âu đã làm dấy lên lo ngại về một làn sóng khác có thể xảy ra ở Mỹ.
Các nhà khoa học ở Mỹ cảnh báo, nước này có thể sắp chứng kiến một làn sóng mới được thúc đẩy bởi biến thể Omicron “tàng hình” BA.2, vốn đã đạt đỉnh trên khắp châu Âu. Mỹ dự kiến sẽ sớm đánh dấu mốc 1 triệu người tử vong do Covid-19. Cơ quan y tế công cộng quốc gia Mỹ hôm đầu tuần cho biết, biến thể BA.2 được ước tính chiếm gần 3/4 các ca mắc liên quan bốn biến thể của virus corona ở nước này.
Sự vững vàng thần kỳ của châu Phi
Bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại từ Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreysus rằng Covid-19 sẽ tàn phá châu Phi, lục địa này vẫn nằm trong số ít những nước bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch.
Khi đại dịch Covid-19 mới hoành hành, giới chuyên gia cũng đã nhận định rằng, nhiều khả năng châu Phi sẽ chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, song thực tế dường như không giống như vậy, bởi nhiều nước có thu nhập cao hơn, có sự chuẩn bị tốt hơn lại chịu ảnh hưởng lớn hơn các nước ở Tây và Trung Phi.
Trong một phân tích được công bố vào tuần trước, WHO ước tính, có tới 65% người ở châu Phi đã bị nhiễm virus corona và cho biết, không giống như nhiều khu vực khác, hầu hết những người bị nhiễm ở lục địa này không có bất kỳ triệu chứng nào.
Theo WHO, trong những tháng đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19, đã từng có lo ngại rằng, virus SARS-CoV-2 có thể lây lan mạnh tại châu Phi, "đánh sập" các nước có hệ thống y tế yếu kém như Sierra Leone - nơi chỉ có 3 bác sĩ/100.000 người dân. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra. Làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch bệnh tác động không đáng kể đến quốc gia Tây Phi này. Trong khi biến thể Beta, Delta, Omicron ảnh hưởng nặng nề đến Nam Phi, thì tình hình dịch bệnh ở phần còn lại của châu lục lại diễn biến trái chiều, đặc biệt là số ca tử vong.
Bước sang năm thứ 3 của đại dịch, một nghiên cứu mới đây cho thấy, rõ ràng virus SARS-CoV-2 có lây lan rộng tại châu Phi. Cụ thể, xét nghiệm máu cho thấy, gần 70% dân số tại các nước ở khu vực miền Nam châu Phi có kháng thể với virus SARS-CoV-2. Do chỉ có khoảng 14% dân số đã tiêm chủng, nên rõ ràng các kháng thể được sinh ra do lây nhiễm là khá lớn.
Một phân tích mới do WHO đứng đầu, chưa được thẩm định, đã tổng hợp các cuộc khảo sát từ khắp châu Phi, phát hiện rằng 65% dân số của "Lục địa đen" đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quý III/2021, cao hơn tỷ lệ ở nhiều nơi trên thế giới. Khi dữ liệu này được thu thập, chỉ có 4% số người dân châu Phi đã tiêm vaccine phòng bệnh. Chính điều này đã kéo theo các cuộc tranh luận trong giới chuyên gia về nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 tại châu Phi thấp.
Các nhà khoa học tại WHO và các nơi khác đã suy đoán rằng, các yếu tố như dân số trẻ của châu Phi, tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim và tiểu đường thấp hơn và thời tiết ấm hơn, có thể đã giúp khu vực này tránh được một làn sóng dịch bệnh thảm họa.
Ngày 15/4, WHO cảnh báo, các nước châu Phi cần duy trì cảnh giác và cân nhắc kỹ lưỡng những rủi ro trước khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh WHO cho rằng, châu lục này vẫn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh trỗi dậy và xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.