Chỉ còn gần 3 tháng là hết năm, nhưng tiến độ giải ngân đầu tư công của TPHCM đạt rất thấp, chỉ khoảng 20% kế hoạch năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, tuy nhiên, quan trọng là giải pháp nào để tăng tốc?
Khó khăn trăm bề
Là một trong những vấn đề trọng tâm, được ưu tiên tháo gỡ từ đầu năm đến nay, nhưng đến hết quý III/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, chỉ số giải ngân đầu tư công của thành phố đạt rất thấp, với khoảng 20% kế hoạch năm.
Ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng phòng Tổng hợp quy hoạch (Sở KHĐT TPHCM) cho biết, từ đầu năm nay, thành phố đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đã tham mưu lập kế hoạch chi tiết cho từng đơn vị, dự án, chương trình... đồng thời tổ chức thường xuyên các cuộc giao ban để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho từng dự án. Đối với dự án chưa thể giải ngân, thành phố sẽ điều chỉnh vốn cho các công trình có khả năng thực hiện, qua đó thực hiện việc khen thưởng đơn vị thực hiện tốt và phê bình, kỷ luật nghiêm khắc đối với các đơn vị giải ngân chậm trễ.
Theo ông Tuấn Anh, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng giải ngân đầu tư công của thành phố bị chậm tiến độ. Đó là vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu thầu, bất cập trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, thiếu vật liệu sản xuất… Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án phải dừng lại để điều chỉnh quy hoạch chung của TPHCM. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của khoản ngân sách khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 6% tổng số vốn).
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở KHĐT TPHCM cho biết, số vốn đầu tư công mà thành phố chậm giải ngân còn do một số vướng mắc trong Luật Đấu thầu, điều chỉnh quy hoạch... Riêng Luật Đất đai khi có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, cùng với các quy định mới về cách tính giá bồi thường, đã ảnh hưởng đến giá bồi thường các dự án lớn của thành phố như dự án rạch Xuyên Tâm và dự án bờ Bắc kênh Đôi…
Dẫn chứng một số dự án cụ thể, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, đến nay đơn vị này đã được giao khoảng 12.380 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 2.150 tỷ đồng (chiếm khoảng 20%). Trong những tháng còn lại của năm 2024, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM sẽ phải giải ngân thêm 9.930 tỷ đồng, trong đó có 2.000 tỷ đồng phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, còn lại là giải ngân cho các dự án khởi công mới, dự án vốn ODA…
Ông Phúc cho biết thêm, vướng mắc tại một số dự án có vốn đầu tư lớn của TPHCM liên quan đến trình tự, hồ sơ thủ tục vẫn đang trong quá trình phối hợp với các bộ ngành, trung ương để được tháo gỡ. Điển hình, các siêu dự án về giải quyết ngập do triều ở khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có kế hoạch giải ngân là 6.800 tỷ đồng; Dự án tuyến đường sắt đô thị Metro số 1 (lộ trình Bến Thành - Suối Tiên) có tổng vốn giải ngân khoảng 3.717 tỷ đồng... vẫn đang xếp hàng chờ được giải ngân.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để tăng tốc giải ngân đầu tư công, ông Tuấn Anh cho biết, Sở KHĐT tiếp tục tham mưu UBND thành phố điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công. Giải pháp này nhằm đảm bảo điều tiết vốn hợp lý cho các dự án cấp thiết nhất hiện nay. Đối với các dự án chưa thể giải ngân sẽ điều chỉnh vốn cho các công trình có khả năng thực hiện. Quyết tâm cao nhất của thành phố kiên định với mục tiêu giải ngân 95% trong năm nay.
Về nhóm các dự án công trình giao thông, ông Phúc cho rằng cần huy động quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác giải phóng mặt bằng. Song song đó, nâng cao trách nhiệm năng lực quản lý điều hành của các chủ đầu tư cũng như quá trình lựa chọn các nhà tư vấn, nhà thầu, đôn đốc quá trình thi công. Hiện nay, cấp thành phố đã ra mắt Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm và 3 tổ công tác về thúc đẩy giải ngân các dự án được giao vốn lớn. Đây sẽ là cơ sở để rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư công; kể cả vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công hiện nay.
Theo lãnh đạo Sở KHĐT TPHCM, ngoài nỗ lực của UBND thành phố, các sở ngành và các địa phương, trong giải ngân đầu tư công còn một số vướng mắc nằm ngoài thẩm quyền của thành phố, chẳng hạn như dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. TPHCM sẽ bóc tách từng khó khăn, vướng mắc cụ thể trong thẩm quyền để giải quyết. Đồng thời, thành phố tiếp tục đề xuất, kiến nghị trung ương các giải pháp để tháo gỡ cho các dự án đang vướng mắc nhưng thuộc thẩm quyền từ phía trung ương.