Trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế là đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu thì đầu tư công đang là vấn đề rất nóng khi còn tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được” khiến cho tỷ lệ giải ngân thấp.
Giải phóng mặt bằng là khâu khó khăn nhất
Báo cáo mới đây của Tổ công tác số 5 của Chính phủ (do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng) trong việc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ, các khó khăn, vướng mắc tập trung chủ yếu ở các cơ chế, chính sách về giao vốn, trình tự, thủ tục thực hiện các dự án (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); công tác quy hoạch, nghiệm thu công trình (Bộ Xây dựng); giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng (Bộ Tài nguyên và Môi trường); việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vướng mắc trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc); vướng mắc liên quan đến mua sắm thiết bị (Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ)…
Mới đây nhất, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 8689 gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công khai giải ngân các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, các dự án sạt lở sông biển sử dụng dự phòng ngân sách trung ương năm 2023.
Theo ghi nhận của Bộ Tài chính đến ngày 31/7/2024 của 85 các dự án giao thông liên vùng do 61 địa phương quản lý, trong đó có 16 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 15% so với kế hoạch (trong đó có 3 dự án giải ngân 0%). Các dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý giải ngân 7.144,9 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch. 13 dự án có tỷ lệ giải ngân trên 50% so với kế hoạch. 31 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 15% so với kế hoạch; đặc biệt có 2 dự án giải ngân 0%.
Tính ra còn gần 5 tháng là hết năm tài chính 2024, song việc giải ngân vốn đầu tư tại các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT và giao thông liên vùng mới xấp xỉ 1/3 kế hoạch. Tổng thể, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn trong tình trạng chung “có tiền nhưng không tiêu được”.
Tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024, phiên thứ 3 – Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công mới đây, ông Lê Bách Cương - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam thuộc Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã dẫn số liệu của ngành GTVT cho thấy, đến tháng 7/2024, ngành giao thông đã giải ngân hơn 30.0000 tỷ đồng, đạt khoảng 50% kế hoạch của năm, tập trung vào các dự án cao tốc Bắc – Nam.
Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã dành nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên tới năm 2025 cả nước sẽ đạt khoảng 3.000km đường cao tốc và đây là mục tiêu Bộ GTVT đang cố gắng hoàn thành.
Theo đó, Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, cho phép triển khai một số cơ chế đặc thù để rút ngắn từ bước trình tự, thủ tục đầu tư. Sự quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của bộ ngành, Bộ GTVT, ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư đã sớm hoàn thiện hồ sơ thiết kế từ dự án đầu tư để bàn giao cho các địa phương.
Theo khẳng định của ông Lê Bách Cương, giải phóng mặt bằng là khâu khó khăn nhất. Để thúc đẩy đầu tư công, có khoảng 70% các đầu việc để các địa phương có thể đẩy nhanh, trong đó quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng.
Tương tự, ông Vũ Xuân Nguyên - Trưởng Phòng Kế hoạch - Hợp đồng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cũng cho rằng, khi triển khai dự án công tác giải phóng mặt bằng cần giải quyết ngay từ đầu, tránh dẫn đến phát sinh chi phí, ưu tiên giải quyết dứt điểm, phối hợp các sở, ngành địa phương tốt, hiệu quả.
Cần tập trung vào một đầu mối, đơn giản hóa quy trình
Các chuyên gia cũng chỉ ra, trong công tác giải ngân đầu tư công, hiện nay quy trình thủ tục còn phức tạp, nhiều cấp, nhiều bên tham gia… trong bối cảnh, cán bộ công chức đâu đó vẫn còn tâm lý sợ sai. Đặc biệt khâu giải phóng mặt bằng, định giá đất hiện đang gặp rất nhiều khó khăn và nhạy cảm; nhiều dự án gặp khó khăn trong khâu nguyên vật liệu, nhất là về cát san lấp… thậm chí nhiều dự án khi đang triển khai còn vướng quy hoạch.
Từ đó, các chuyên gia đề xuất cần phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tập trung vào một đầu mối quyết định. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc xác định giá đất, điều chỉnh quy hoạch. Cần có cơ chế cho phép nhà thầu, chủ đầu tư chủ động phối hợp với địa phương khai thác nguồn vật liệu, sử dụng vật liệu mới. Xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án đầu tư liên vùng, phân bổ nguồn vốn hợp lý. Ngoài ra, cần khuyến khích áp dụng các mô hình đầu tư mới như BT, BOT với cơ chế quản trị rủi ro và phân chia lợi ích hợp lý.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ngoài những vấn đề ngắn hạn như: Tập trung vào các khía cạnh như thủ tục, cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; giải phóng mặt bằng; liên quan đến mỏ vật liệu cơ bản như đất, cát, sỏi và tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA… cũng cần có điều chỉnh kịp thời các quy hoạch.
Chẳng hạn vấn đề của cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng, hiện nay một địa phương giải phóng xong mặt bằng còn một bên lại chưa xong, lẽ ra đã phải đồng bộ những việc này từ sớm nhưng thực tế giữa các địa phương lại chưa chú trọng.
“Việc quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất giao thông lại chậm hơn so với tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, Do đó, về ngắn hạn, cần giải quyết khâu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để giải phóng mặt bằng, giao đất…” - TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Về dài hạn, theo ông Việt, công tác quy hoạch nói chung, trong đó có quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch về giao thông cũng phải cải tiến, để khi quy hoạch đất sử dụng dự án cho giao thông phải đồng bộ, đi trước.