Ngày 8/1, nhà chức trách Australia khuyến cáo người dân chuẩn bị cho một đợt sơ tán mới, trong bối cảnh nền nhiệt ở khu vực Đông Nam nước này bắt đầu gia tăng sau khi giảm nhẹ trong vài ngày qua, theo đó các đám cháy rừng có nguy cơ bùng phát trở lại.
Những khu rừng tiếp tục bốc cháy.
Trước đó, hơn 50 tín đồ Hồi giáo ngày 5/1 tập trung tại Công viên Bonython ở Adelaide, Australia để thực hiện nghi lễ cầu mưa nhằm giảm bớt thiệt hại từ thảm họa cháy rừng và hạn hán đang hoành hành ở quốc gia này. Một ngày sau, những cơn mưa bắt đầu trút xuống khu vực duyên hải miền Đông Australia, từ Sydney đến Melbourne và các trận mưa rải rác được dự báo tiếp diễn đến hôm nay, ngày 9/1. Trận mưa khiến nhiều người Australia thở phào, khi nó giúp giảm bớt khói mù trong không khí và phần nào hỗ trợ cho chiến dịch đối phó các đám cháy rừng đang bùng phát trên khắp nước này. Tuy nhiên, giới chức Australia cảnh báo nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng và các đám cháy sẽ bùng phát trở lại sau khi đợt mưa kết thúc vào ngày 9/1. Nhiệt độ có thể lại tăng lên mức đỉnh vào ngày 10/1 tới, và mưa rất ít, đồng nghĩa các điều kiện thời tiết nguy hiểm quay trở lại làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Cơ quan dịch vụ cứu hỏa nông thôn bang New South Wales Shane Fitzsimmons kêu gọi người dân sẵn sàng sơ tán do cháy rừng có nguy cơ tiếp tục bùng phát nghiêm trọng trên phạm vi toàn bang.
Trước tình hình đó, lực lượng cứu hỏa Australia đang tận dụng thời tiết mát mẻ và ít gió to hiện nay để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cháy rừng lan rộng tại các điểm cháy lớn. Trong khi đó, quân đội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cung cấp nhu yếu phẩm tới hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Khoảng 70 lính cứu hỏa từ Mỹ và Canada đã đến Australia trong ngày 8/1 để hỗ trợ dập tắt cháy rừng. Trong khi đó, Đan Mạch và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng bày tỏ sẵn sàng điều lính cứu hỏa sang Australia để trợ giúp.
Australia đang phải hứng chịu thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, với hơn 10,3 triệu ha đất bị thiêu rụi, ít nhất 25 người đã thiệt mạng. Các nhà sinh thái học tại Đại học Sydney ước tính 1 tỷ cá thể động vật đã chết hoặc bị thương do cháy rừng. Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết khói cháy rừng từ Australia đã lan sang tận Nam Mỹ xa xôi.
Hiện bầu trời ở 3 thành phố lớn của Đông Nam Australia gồm Sydney, Melbourne và thủ đô Canberra đều bao phủ màn khói dày đặc, khiến các thành phố này trở thành những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.
Cháy rừng là mối lo thường trực ở Australia trong mùa hè nóng và khô, nhưng năm nay các đám bùng phát sớm hơn với sức tàn phá mạnh hơn. Các đám cháy bùng phát trong điều kiện thời tiết cực kỳ khô nóng khi một số vùng của các bang Queensland và NSW đã trải qua tình trạng hạn hán trong suốt 3 năm qua mà các chuyên gia cho là do tác động của biến đổi khí hậu. Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng thừa nhận biến đổi khí hậu là yếu tố dẫn tới nạn cháy rừng thiêu đốt nhiều khu vực ở nước này. Ông cho biết Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 tỷ AUD (1,4 tỷ USD) để đối phó với cháy rừng, bên cạnh hàng chục triệu AUD đã cam kết.
Hội đồng Bảo hiểm Australia cho hay đã nhận được gần 9.000 đơn xin bồi thường với tổng giá trị lên tới 700 triệu AUD (485 triệu USD). Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Josh Frydenberg cho hay “còn quá sớm” để kết luận về ảnh hưởng của thảm họa này đối với nền kinh tế.
Cháy rừng bùng phát ở Đông Nam Australia từ tháng 9 và ngày càng trầm trọng hơn do nhiệt độ cao và những cơn gió mạnh của mùa hè. Khói cháy rừng bao trùm một vùng rộng lớn gần 60.000 km2, phá hủy gần 2.000 ngôi nhà. Tới nay, ít nhất 25 người đã thiệt mạng và có thể 1 tỉ động vật được cho là đã chết.