Hôm trước mạng xã hội và báo chí ồn ã chuyện gì, y rằng vài ngày sau Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch sẽ phát đi một công văn “chấn chỉnh”. Tới mức cách đây không lâu, khi tỉnh Yên Bái đã chủ động xin rút không tham gia đăng ký xác lập kỷ lục đối với vòng đại xoè, Bộ vẫn gửi công văn đề nghị xem xét, cân nhắc. Gần đây nhất, khi dư luận lên tiếng về việc quảng cáo bia Huda đưa hình ảnh về chùa Cầu (Hội An) gây phản ứng, Bộ - như thường lệ, lại có công văn “chấn chỉnh”…
Nếu tìm kiếm trên mạng cụm từ “Bộ VH-TT-DL vào cuộc/đề nghị/xác minh/yêu cầu…”, sẽ rất dễ dàng tìm thấy những “ứng xử” có vẻ như rất kịp thời của ngành văn hoá. Nhất là với những việc mà trên mạng xã hội đang trở thành chủ đề bàn tàn ồn ào. Tất nhiên điều này là đáng hoan nghênh khi chứng tỏ Bộ đã lắng nghe dư luận. Ví dụ như Bộ đã vào cuộc rất nhanh những vụ như để lọt “đường lưỡi bò” trong một số sản phẩm văn hoá – du lịch, đèo Mã Pí Lèng, “thỉnh vong giải nghiệp ở chùa Ba Vàng”, nhà thờ Bùi Chu, bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” xuống cấp, “quản lý chặt doanh nghiệp lữ hành quốc tế”… đến cả những vụ việc như “yêu cầu xác minh hình ảnh người mẫu mặc bikini phản cảm trên chuyến bay chở U23 Việt Nam”, vụ cô ca sĩ Ariana Grande hủy show… Ồn ào nào cũng chỉ vài ngày sau Bộ VH-TT-DL đã phải kịp thời ra công văn chỉ đạo.
Trong số ấy có nhiều việc là những tình huống mới phát sinh của đời sống mà đúng là trước đó có thể chúng ta chưa lường trước được. Sự chỉ đạo kịp thời, xử lý kịp thời, sự lên tiếng kịp thời và những giải pháp đưa ra kịp thời là rất đáng hoan nghênh. Nhưng nói gì thì nói, ở góc độ quản lý nhà nước đó vẫn chỉ là những giải pháp tình thế được đưa ra nhằm đối phó với một tình huống mới. Khi những công văn mang tính “vào cuộc”, “chấn chỉnh” của cơ quan quản lý nhà nước xuất hiện với tần xuất quá nhiều nó trở thành một câu chuyện khác, khiến có cảm giác rằng Bộ VH-TT-DL luôn chạy theo để đối phó với dư luận ồn ào hơn là những việc thực hiện chức năng của mình một cách căn cơ, bền vững?
Chỉ cần nói ví dụ về những câu chuyện liên quan đến di sản, thực ra chúng ta đã có Luật Di sản để quản lý. Tuy nhiên, thay vì đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, thỉnh thoảng chúng ta lại phải có những công văn “chấn chỉnh” những câu chuyện sử dụng hình ảnh di sản để quảng cáo hay xây nhà hàng, khách sạn, triển khai dự án vào những vòng 1, vòng 2 của di sản, di tích… Ví dụ như di chỉ Vườn Chuối hay nhiều di sản khác, chúng ta cần những giải pháp căn cơ mang tính bền vững cho văn hoá, trong những trường hợp ấy những công văn “chấn chỉnh” hoàn toàn không phù hợp.
Chưa kể rằng trong rất nhiều trường hợp, không phải lần nào sự ồn ào của dư luận cũng hoàn toàn chính đáng. Nếu tiếp tục bị chi phối bởi dư luận, chúng ta sẽ hết sức bị động trong quản lý. Có những việc rất không đáng để “vào cuộc” chỉ vì dư luận, ngành văn hoá lại trở thành “nhạy cảm” quá mức. Nhiều việc khác, quan trọng, mà ít người quan tâm, có khi lại bị xem nhẹ đi.
Văn hoá là nguồn lực nội sinh. Văn hoá cần cho sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hoá không chỉ là những giải pháp tình thế. Nhưng đáng tiếc thay nhiều sự việc xảy ra trong thời gian qua cho người ta rất rõ cảm giác ngành văn hoá đang vất vả chạy theo dư luận. Nghĩa là khi có chuyện thì ứng phó, giải quyết chứ không phải là một lộ trình để không thể xảy ra các “tình huống” đó.
Văn hoá cũng không phải chỉ là mấy cuộc thi người đẹp (kiểu người đẹp ra nước ngoài thi chui chẳng hạn), trình diễn thời trang, tổ chức lễ hội, xây dựng chùa chiền… Văn hoá là đời sống để tạo ra nguồn lực con người Việt Nam đủ sức đáp ứng với tình hình mới. Nghĩa là cần sự chủ động trong quản lý và giải pháp để đề cao những giá trị văn hoá và đạo đức theo hướng bền vững.
Tôn trọng dư luận, lắng nghe dư luận không có nghĩa là thụ động chờ việc xảy ra rồi “vào cuộc” kịp thời bằng cách phát đi những văn bản, công văn “chấn chỉnh”. Cần phát hiện chỗ nào là kẽ hở của luật pháp, ở đâu có những khả năng sẽ nảy sinh các tình huống… để kịp thời bổ sung tạo ra một môi trường cho văn hoá phát triển lành mạnh mà không lệch hướng. Ngay cả trong các tình huống mới phát sinh, cần bình tĩnh đưa ra các giải pháp phù hợp. Đó mới cần vai trò quản lý nhà nước. Đừng chạy theo những chuyện bề nổi tức thời như phát đi một công văn chấn chỉnh một cô hoa hậu đi thi quốc tế mà chưa được cho phép.