Chê cho đúng, khen cho phải, đề xuất các giải pháp trên cơ sở khoa học

Quốc Trung 31/10/2017 10:48

Đây là nhấn mạnh của ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp hội Việt Nam (LHHVN) tại hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội” diễn ra tại TP Cần Thơ do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với Liên hiệp hội các khoa học và kỹ thuật (LHCHKH&KT) thành phố ngày 31/10.


Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội”.

Phát biểu khai mạc bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ cho biết: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định nhiều nội dung quan trọng nhằm tăng cường sự tham gia của công dân vào quá trình hoạch định chính sách, cũng như nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân cũng như hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHCHKH&KT Việt Nam.


Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

Đại hội chỉ rõ: “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”; “Bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”; “Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.”

Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp hội Việt Nam

Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp hội Việt Nam, cho biết: Mục đích của hoạt động tư vấn, phản biện và giám sát xã hội của LHHVN là cung cấp các cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định dự án, đề án, chính sách. Thể hiện 3 điểm nổi bật đó là tính khoa học, tính độc lập khách quan và tính xã hội. Các đặc điểm này tạo ra sự khách biệt giữa công tác này với các hoạt động dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, nhưng đồng thời cũng đặt ra đòi hỏi rất cao, cách thức tổ chức rất chuyên nghiệp để có thể bảo đảm tính khoa học và khách quan.

Ông Tùng đưa ra 5 giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Cần có sự thay đổi cơ bản nhận thức của các cơ quan nhà nước (từ Quốc hội, Chính phủ đến các Bộ, Ngành) về vai trò, năng lực và sự cần thiết thu hút sự tham gia của các tổ chức hội vào quá trình xây dựng chính sách.

Cần tạo lập cơ sở pháp lý cho việc chuyển từ cơ chế “lấy ý kiến” sang cơ chế “tham gia” của nhân dân nói chung, của các chuyên gia, các nhà khoa học nói riêng.

Cần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động của các tổ chức hội: Luật về Hội; Luật về tự do ngôn luận; Luật về tự do hội họp và biểu tình; Luật Tiếp cận thông tin; Giám sát, phản biện xã hội; Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; một số quyền cụ thể (như quyền tham gia xây dựng pháp luật, tham gia quản lý nhà nước...).

Cần đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công, xác định rõ những loại việc Nhà nước cần phải làm và chuyển giao cho xã hội những loại việc mà Nhà nước không nhất thiết phải đảm nhiệm.

Nhà nước cần có chính sách động viên, ghi nhận giá trị đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật…

Hội thảo diễn ra 1 ngày, các đại biểu sẽ tập trung bàn các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác nâng cao năng lực giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chê cho đúng, khen cho phải, đề xuất các giải pháp trên cơ sở khoa học