Các loại nước ép cam, chanh, bưởi cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bị sốt cao kèm theo đau đầu, đau khớp… nên rất mệt mỏi, chán ăn. Tình trạng sốt cao làm tăng nguy cơ mất nước nên cần bù nước đầy đủ.
Người bệnh nên uống các loại nước lọc, nước canh, nước dừa tươi, nước ép trái cây (như cam, bưởi, chanh). Nước dừa chứa nhiều khoáng chất tốt giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp mất nước do sốt cao.
Các loại nước ép cam, chanh, bưởi cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần lượng protein cao để phục hồi nhanh chóng. Vì vậy, trong chế độ ăn của người bệnh cần tăng cường thực phẩm giàu protein như: trứng, thịt, cá, sữa… Cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Tuy nhiên, khi bị ốm sốt, người bệnh thường khó ăn, ăn không cảm thấy ngon. Do đó, các món ăn nên nấu dưới dạng lỏng và mềm như cháo, súp để người bệnh dễ ăn và dễ hấp thu hơn.
Nên ăn ít một, chia làm nhiều bữa trong ngày. Các bữa phụ có thể uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng.
Đối với trẻ còn bú mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú như bình thường. Trẻ trong độ tuổi ăn dặm, cha mẹ nên nấu đa dạng nhiều món ăn, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin D, A, kẽm, sắt… Ngoài bữa ăn chính nên cho trẻ uống thêm sữa, nước cam hoặc sinh tố để bổ sung vitamin và khoáng chất.
Theo BS. Trần Cao Dung: Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nên sẽ bị sốt, đau nhức mình mẩy, khó chịu... nên cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng. Cần cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: Cháo, súp, sữa...
Người bệnh sốt xuất huyết có cần kiêng gì không?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người bệnh sốt xuất huyết nên ăn cân đối đầy đủ dinh dưỡng, nhất là thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất.
Người bệnh không cần kiêng tuyệt đối thực phẩm nào nhưng cũng cần lưu ý hạn chế ăn những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu, đầy bụng. Không ăn đồ cay, nòng và không uống rượu bia, chất kích thích.
Tránh các thức ăn, đồ uống có màu đỏ sẫm như tiết (lợn, bò, gà…), củ dền… Những thực phẩm này dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.
Thực phẩm tốt cho người bệnh sốt xuất huyết bị giảm tiểu cầu
Một trong những biến chứng hay gặp khi bị sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu. Số lượng tiểu cầu trong bệnh sốt xuất huyết giảm vì các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi virus gây tổn thương tiểu cầu. Các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn này đã phá hủy một số lượng lớn tiểu cầu trong thời gian người bệnh bị sốt xuất huyết.
Để giúp cơ thể sản sinh lượng tiểu cầu nhiều hơn, người bệnh sốt xuất huyết nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C, A, K; folate, sắt…
Vitamin C là trái cây họ cam quýt như cam, chanh, bưởi; kiwi, dâu tây, súp lơ xanh, rau bina...
Vitamin A có trong các thức ăn nguồn gốc động vật như: trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm… Thức ăn có nguồn gốc thực vật như: các loại rau có màu xanh sẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau bí; các loại củ quả có màu vàng như: gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài… chứa nhiều tiền vitamin A (beta-caroten). Khi vào cơ thể, beta-caroten sẽ được chuyển thành vitamin A.
Vitamin K có trong một số loại thực phẩm tự nhiên như: rau bina, măng tây, bông cải xanh, cải xoăn; các loại đậu, đậu nành…
Folate có nhiều trong trứng, măng tây, ngũ cốc, cam, rau bina và cải xoăn.
Sắt có nhiều trong các thực phẩm như: thịt, tim, gan, cá, lòng đỏ trứng, các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô, trái cây khô... Trong đó, sắt có nguồn gốc động vật hấp thu tốt hơn sắt có nguồn gốc thực vật.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số biểu hiện ban đầu giống với nhiễm Covid-19, có thể gây nhầm lẫn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám chẩn đoán chính xác và được hướng dẫn điều trị phù hợp. Không được tự ý mua thuốc giảm đau, hạ sốt về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khi chăm sóc cần theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là thân nhiệt. Khi có sốt cần mặc quần áo thoáng, không đắp chăn kín, lau nước ấm giúp hạ sốt. Nếu sốt trên 38,5 độ C, dùng thuốc paracetamol để hạ sốt theo đúng liều lượng cân nặng. Uống nhiều nước, bù nước bằng dung dịch osezol pha theo chỉ dẫn.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.