Với mục tiêu thu hút các nguồn lực xã hội, thời gian vừa qua hàng loạt dự án giao thông công cộng ở TP HCM được giao cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Bên cạnh những thành tích đạt được, không ít hoạt động của hệ thống công cộng sau một thời gian áp dụng đã hướng đến mục tiêu kinh doanh thay vì hoạt động cộng đồng.
Thực tế thì dù có nhiều mô hình giao thông công cộng ở TP HCM được tư nhân đầu tư nhưng hầu hết đều mới đưa vào hoạt động. Nhưng một số mô hình đã nảy sinh các bất cập.
Như mô hình buýt đường sông từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi Thủ Đức được hướng tới là phương tiện giao thông đường thủy, san sẻ một phần với hệ thống đường bộ đang quá tải. Tuy nhiên, sau ít năm đi vào hoạt động, mô hình này lại biến thành tour du lịch đường sông.
Hàng loạt bến thuyền nằm giữa 2 bến đầu và cuối đã được xây dựng, thậm chí cả đường bộ kết nối đang hoang vắng, đìu hiu. Xét về lượng hành khách, doanh nghiệp vẫn có nhiều lợi ích khi số người tham gia vẫn rất đông, nhất là dịp cuối tuần nhưng về mục tiêu vận chuyển công cộng thì hệ thống buýt đường sông coi như không đạt được.
Nếu phát triển thêm các tuyến buýt khác (từ bến Bạch Đằng đi quận 8, đi quận 7...) sẽ khó lòng thu hút khách. Và mục đích biến hệ thống đường thủy với phương tiện xe buýt chở hàng trăm người để san sẻ với đường bộ là điều không thể.
Tương tự, một số phương tiện giao thông công cộng khác như xe buýt điện, buýt mui trần, phà biển... cũng có dấu hiệu phát triển không theo định hướng ban đầu. Ở đó, mục đích đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đạt được nhưng mục đích tạo thêm phương tiện giao thông công cộng cho người dân, kết nối với phương tiện giao thông công cộng khác (như buýt thường, metro...) đã không đạt được.
Hiện tượng chệch hướng này về lâu dài cũng khiến cho quy hoạch các hệ thống này khó có thể mở rộng, áp dụng thêm ở các khu vực khác.