Quốc tế

Chênh lệch trong dự báo nhu cầu dầu

Hà Anh 16/03/2024 07:43

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) - những cơ quan dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu được theo dõi chặt chẽ nhất trên thế giới, đang có quan điểm khác biệt về nhu cầu sử dụng nhiên liệu.

anhbaitren.jpeg
Giàn khoan tại mỏ Zhetybay ở vùng Mangystau, Kazakhstan. Nguồn: Reuters.

Khoảng cách dự báo giữa IEA - đại diện cho các nước công nghiệp phát triển và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy, cả hai đang gửi những tín hiệu khác nhau tới các nhà giao dịch và nhà đầu tư về sức khỏe của thị trường dầu mỏ trong năm 2024, về dài hạn và tốc độ chuyển đổi của thế giới sang nhiên liệu xanh.

Vào tháng 2 năm nay, IEA dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng 1,22 triệu thùng/ngày trong năm 2024, trong khi báo cáo tháng 2 của OPEC dự đoán tới 2,25 triệu thùng/ngày. Sự khác biệt là khoảng 1% nhu cầu thế giới.

Ông Neil Atkinson - cựu Giám đốc Bộ phận Thị trường dầu mỏ của IEA cho biết: “IEA có nhận thức rất mạnh mẽ rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều. Cả hai cơ quan đều đã tự xác lập cho mình một vị trí, đó là lý do tại sao họ có khoảng cách lớn về dự báo nhu cầu”.

Để xác định sự khác biệt trong bối cảnh hiện nay, Reuters đã phân tích những thay đổi mà mỗi cơ quan đã thực hiện đối với dự báo nhu cầu dầu mỏ từ năm 2008 đến năm 2023 và 2 tháng đầu năm nay. Khoảng thời gian này được chọn vì nó đủ dài để đưa ra kết luận, bao gồm sự biến động cực độ về nhu cầu dầu, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và kết thúc với đại dịch Covid-19 năm 2020 cùng sự phục hồi nhu cầu sau đó.

Giá dầu quốc tế kỳ hạn đạt mức cao nhất mọi thời đại, gần 150 USD/thùng vào tháng 7/2008, so với mức khoảng 80 USD/thùng hiện nay. Báo cáo hàng tháng của IEA và OPEC trong 16 năm qua cho thấy, khoảng cách 1,03 triệu thùng/ngày trong tháng 2 là mức lớn nhất tính theo mỗi thùng trong giai đoạn đó.

Được yêu cầu bình luận về dự báo năm 2024 của mình, IEA cho biết, sự chậm lại trong năm nay dẫn đến sự quay trở lại xu hướng tăng trưởng đã thấy trước đại dịch, và sự chậm lại này đã được thể hiện rõ trong dữ liệu giao dầu. “Chúng tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục trong năm nay, khi các chỉ số di chuyển cho thấy giao thông đường bộ và đường hàng không đang ổn định” – IEA cho biết.

OPEC và IEA cũng không thống nhất trong dự báo trung hạn. IEA dự kiến nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, khi thế giới chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Trong khi đó, OPEC bác bỏ quan điểm này và dự báo của tổ chức này đến năm 2045 không cho thấy đỉnh điểm.

IEA được thành lập cách đây 50 năm khi cơ quan giám sát năng lượng của thế giới công nghiệp hóa đã chuyển trọng tâm vào an ninh cung cấp dầu khí sang ủng hộ năng lượng tái tạo và hành động về khí hậu. Đối với một số thành viên OPEC, điều này làm suy yếu vai trò của họ như một cơ quan có thẩm quyền công bằng.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết vào tháng 9 năm ngoái: “IEA đã chuyển từ vai trò là người dự báo và đánh giá thị trường sang vai trò thực hành vận động chính trị”.

Các thành viên IEA hầu hết là những người tiêu dùng năng lượng lớn và chính phủ của nhiều nước trong số họ đã quyết định đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon. Ngược lại, các thành viên OPEC, vốn phụ thuộc vào doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch, phải đối mặt với những hậu quả kinh tế khó khăn tiềm tàng do quá trình chuyển đổi nhanh chóng khỏi dầu mỏ.

Phân tích cho thấy, dự báo của 2 cơ quan có mối liên hệ thống kê về độ chính xác của dự báo, khiến khó có thể nói dự báo nào đúng dựa trên hồ sơ theo dõi. Reuters cũng thu thập thông tin ước tính từ 26 nhà phân tích tại các ngân hàng và công ty nghiên cứu về mức tăng trưởng nhu cầu năm 2024. Giá trị trung bình của những ước tính này là 1,3 triệu thùng/ngày hoặc gần hơn với quan điểm của IEA.

Trong số 20 câu trả lời của các nhà phân tích trước câu hỏi “liệu nhu cầu có đạt đỉnh vào năm 2030 hay không?”, có 12 nhà phân tích nói không, điểm này lại cho thấy OPEC được coi là có nhiều khả năng đúng.

Giống như tất cả các dự báo kinh tế, dự báo nhu cầu dầu có thể được sửa đổi và bị ảnh hưởng bởi nhiều sự kiện không thể lường trước được. Dữ liệu về việc sử dụng dầu thực tế cần có thời gian để xuất hiện, làm tăng thêm thách thức.

Theo IEA, tăng trưởng nhu cầu sẽ giảm một nửa vào năm 2024 một phần do nhu cầu xe điện đang bùng nổ, mặc dù tính đến tháng 1/2024, cơ quan này đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2024 trong 3 tháng liên tiếp.

Ông Amrita Sen - người sáng lập Energy Aspects cho biết, IEA có xu hướng điều chỉnh tăng nhu cầu của mình. Ông Atkinson cũng đồng quan điểm khi cho rằng, dự báo nhu cầu dầu của IEA sẽ tiếp tục được điều chỉnh cao hơn. Nhu cầu dầu đạt đỉnh có thể sẽ cao hơn dự báo của IEA.

Theo Reuters, trong giai đoạn 2008 - 2023, IEA đã đánh giá thấp tổng nhu cầu trong dự báo ban đầu của mình ở mức 56% so với 50% của OPEC không có sự khác biệt lớn.

Theo ông Atkinson, mặc dù cả hai cơ quan đều dự báo chính xác sự phát triển nhu cầu, tuy nhiên, OPEC có nhiều khả năng đúng hơn về dự báo nhu cầu đạt đỉnh trong thập kỷ này. “Tại nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử, IEA và OPEC đều đã đánh giá khá rõ điều này. Tôi nghĩ IEA còn quá sớm trong việc dự báo đạt đỉnh nhu cầu dầu vào năm 2030 do tăng trưởng ở các nước đang phát triển” – ông Atkinson nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chênh lệch trong dự báo nhu cầu dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO