Ngày 2/4, OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thô. Lập tức giá dầu thế giới tăng mạnh 8%, mức tăng trong ngày lớn nhất trong hơn một năm qua. Việc OPEC+ tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 5 cho tới hết năm 2023; với 1,16 triệu thùng/ngày khiến “bóng ma” suy thoái toàn cầu ngày một rõ ràng hơn.
Quyết định của OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, bao gồm Nga) được người phát ngôn Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi mô tả là một "biện pháp phòng ngừa" nhằm ổn định thị trường dầu mỏ. Ông Kristian Coates Ulrichsen - chuyên gia vùng Vịnh tại Viện Chính sách công Baker thuộc Trường Đại học Rice, cho biết Ả Rập Saudi “quyết tâm duy trì giá dầu ở mức đủ cao” sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới “bước vào đợt loạn nhịp thứ hai, sau đợt đầu vào năm 2022”.
Kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ suy thoái nhẹ
Nhà phân tích Bjarne Schieldrop đến từ Đức cho rằng, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng có thể đẩy giá dầu lên tới 100 USD/thùng (hiện giao dịch ở mức 80,45 USD/thùng). Trong khi đó Goldman Sachs cho rằng đến tháng 12/2023 giá dầu mỏ có thể ở mức 95 USD/thùng. “Giá dầu lên cao sẽ tạo ra những đám mây mù cho nền kinh tế toàn cầu” - ông Takayuki Honma - Kinh tế trưởng Công ty Sumitomo Corporation Global Research (Nhật Bản) nói. Trong khi đó, Henning Gloystein - Giám đốc của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group nhận định, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng từ tháng 5 tới buộc tất cả các quốc gia phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng và suy thoái là điều khó tránh khỏi.
Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới được cho là sẽ gặp khó khăn hơn trong năm 2023. Ngày 20/4, đại diện Công ty cho vay thế chấp Fannie Mae đưa ra dự báo, năm nay, kinh tế Mỹ có thể đối mặt nguy cơ "suy thoái nhẹ" do lạm phát cũng như mức tiêu thụ của người dân giảm sút.
Phó Chủ tịch cấp cao kiêm nhà kinh tế trưởng của Fannie Mae, ông Doug Duncan, cho rằng mức độ suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm 2023 tương đương cuộc suy thoái năm 2008. Trong khi đó, tiến sĩ Desmond Lachman (Viện Doanh nghiệp Mỹ) dự báo kinh tế nước này có thể sẽ suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Theo ông Lachman, lịch sử cho thấy chưa khi nào FED kiềm chế lạm phát dưới 4% mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Cuộc khảo sát gần đây của hãng tin Bloomberg cho thấy, giới chyên gia tài chính cho rằng kinh tế Mỹ có 27,5% nguy cơ rơi vào suy thoái, cao hơn so với mức dự báo 20% trong cuộc khảo sát vào tháng 3 vừa qua. Trong khi đó, tập đoàn tài chính Goldman Sachs dự báo khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong 2 năm tới là 35%.
Ở chiều ngược lại, chiến lược gia hàng đầu tại hãng nghiên cứu đầu tư Leuthold Group của Mỹ, ông James Paulsen, cho rằng không có bất kỳ nguy cơ nào có thể đẩy nền kinh tế số một thế giới rơi vào suy thoái. Ông Paulsen dẫn chứng thị trường việc làm tại Mỹ đang khởi sắc, các chỉ số về nợ và thu nhập hộ gia đình đang ở mức tích cực nhất trong 25 năm qua. Theo ông Paulsen, phải nhiều năm sau khi FED bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, nền kinh tế Mỹ mới có nguy cơ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, ông Jan Hatzius, thì trong số 14 chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ 2 thì có 11 chu kỳ chứng kiến xảy ra suy thoái trong vòng 2 năm sau đó.
EU vơi hụt sự lạc quan
Bên kia bờ đại dương, đồng minh chiến lược của Mỹ là Liên minh châu Âu (EU) cũng nhận được dự báo buồn khi phải đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Theo hãng tin Bloomberg, chính phủ các nước EU đã tránh được suy thoái kinh tế hồi đầu năm nay, nhưng tại thời điểm cuối tháng 4, mối đe dọa về một cuộc suy thoái mới lại phủ bóng. Bloomberg đưa tin lạm phát cơ bản trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn không được kéo giảm mà nếu như không thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ thì sẽ xuất hiện một vòng luẩn quẩn mới của việc tăng giá.
Trước đó, trung tuần tháng 2, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo nền kinh tế EU đã tránh được suy thoái và đỉnh lạm phát trong khu vực đã qua. Tuy nhiên đến thời điểm này, EC “đã không còn lạc quan khi bóng ma suy thoái đã hiện hình”, theo Bloomberg.
Trong khi đó, “phớt lờ” việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cam kết "làm bất cứ điều gì" để chặn suy thoái; thì nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn đưa ra nhận xét: Đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn 80 năm thế giới phải trải qua 2 cuộc suy thoái chỉ trong vòng 10 năm. Theo tin từ Reuters, dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu tăng trưởng 1,7% trong năm 2023, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1993 ngoại trừ suy thoái 2009 sau khủng hoảng tài chính và suy thoái năm 2020 khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.
Ngày 20/4, nhóm nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng kinh tế đã ở mức ngấp nghé bờ vực suy thoái đối với nhiều quốc gia. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu đưa ra vào tháng 6/2022, WB dự báo kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng 3%; tuy nhiên con số đó đã hạ xuống dưới 2%, mức bình quân 5 năm thấp nhất kể từ thập niên 1960. Dự báo tăng trưởng của Mỹ và khu vực Eurozone năm nay đều bị cắt giảm mạnh, báo hiệu một cuộc suy thoái toàn cầu mới. WB cho rằng áp lực lạm phát toàn cầu đã bắt đầu giảm bớt vào cuối năm 2022, khi giá năng lượng và hàng hóa cơ bản dịu đi, nhưng trước viễn cảnh giá dầu leo thang trở lại sẽ khiến cho kịch bản giảm tốc kinh tế toàn cầu càng rõ nét hơn.
“Tăng trưởng suy giảm cùng với môi trường kinh doanh xấu đi sẽ làm phức tạp thêm sự thụt lùi của công tác phát triển giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo và đầu tư hạ tầng, cũng như làm gia tăng tổn thất từ tình trạng biến đổi khí hậu” - Chủ tịch David Malpass của WB nói trong một tuyên bố.