Công ty TNHH 30-4 (trụ sở 609 Lê Duẩn, P Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai) được thành lập năm 1992, sau nhiều năm kinh doanh gỗ tự nhiên đến tháng 8/2015 đã chuyển sang sản xuất, chế biến gỗ cao su.
Dù Đề án bảo vệ môi trường đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt, nhưng trong quá trình hoạt động Công ty đã “lờ” đi các qui định, vô tư xả ra môi trường một lượng lớn khí thải, khói bụi, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân, cán hộ.
Cột khói nhà máy xả khói nghi ngút ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Khốn khổ vì khói bụi, bệnh tật
Theo phản ánh của người dân, Công ty TNHH 30-4, đã có thâm niên sản xuất, chế biến gỗ, nhưng trước đây họ chế biến gỗ tự nhiên, tiếng ồn nhà máy cả ngày lẫn đêm, kéo dài hàng chục năm nhưng chẳng người dân nào phàn nàn. Từ tháng 8/2015, Công ty chuyển sang sản xuất chế biến gỗ cao su xuất khẩu thì bắt đầu xuất hiện khói bụi, mùi hôi tanh nồng nặc.
Ông Nguyễn Văn Sứ (nhà số 14 Nguyễn Tuân, P.Thắng Lợi) cho biết, nhà đóng cửa cả ngày lẫn đêm, thậm chí khi đi ngủ vẫn đeo khẩu trang. Khói bụi nén xuống khiến chúng tôi cảm thấy khó thở, tức ngực. Ngày còn đỡ chứ tối đến không thể nào mà ngửi được. “Nhà máy hoạt động cả ngày lẫn đêm, mùi khét, hôi của hóa chất, gỗ cao su phát tán bao trùm cả khu dân cư. Mọi chế độ ăn, uống, ngủ, nghỉ của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Nhiều người héo quắt, mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, đau đầu, buồn nôn” - ông Sứ bức xúc.
Theo quan sát, không chỉ có cột ống khói từ lò sấy gỗ xả vào khu dân cư mà ngay phía sau xưởng sản xuất gỗ là hàng trăm căn nhà của người dân nằm úp mặt vào tường nhà máy. Các ô cửa sổ nhà xưởng mở toang khiến khói bụi phát tán khắp các hộ dân.
Là người bị bệnh đau đầu, chị Lê Thị Nhẫn (tổ 1, P.Thắng Lợi) cho biết, khi ngửi mùi hôi tanh là buồn nôn, chóng mặt, đã phải bỏ nhà đi lánh nạn.
Còn bà Đinh Thị Thơ, có hơn 20 năm làm nghề giữ trẻ than vãn, cây cối trồng trong nhà còn bị chết, dân chắc cũng bị chết mòn thôi! Không thở được, mùi hôi tanh cứ ám ảnh suốt ngày, giờ ai cũng lo sợ con em họ bị ô nhiễm, chẳng ai dám gửi con.
Không chỉ người dân bị “đầu độc” mà hàng trăm học sinh, giáo viên và cán bộ có trụ sở nằm sát Công ty TNHH 30-4 cũng chung cảnh ngộ.
“Nhiều lúc trong giờ học, học sinh, giáo viên phải dùng tay che mũi, đeo khẩu trang hay học sinh kêu ca hôi tanh là thường xuyên. Ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu, nhà trường cũng kiến nghị với Công ty nhưng họ chưa khắc phục được” - một giáo viên Trường Tiểu học Anh hùng Núp cho biết.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND P. Thắng Lợi -TP Pleiku cho biết, qua các lần tiếp xúc cử tri người dân đã kiến nghị lên UBND phường, Sở TN&MT. Về trách nhiệm UBND phường đã tổ chức để người dân và doanh nghiệp đối thoại.
Công ty thất hứa, dân mất niềm tin
Trước sự phản đối gay gắt của người dân, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) Công an tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường(Kon Tum) tiến hành kiểm tra, lấy mẫu đánh giá, phân tích.
Công an khẳng định, Công ty TNHH 30-4 không trồng cây xanh trong khuôn viên, không xây dựng hệ thống xử lí khí thải (mùi, khói) để phát tán ra môi trường trái với Đề án bảo vệ môi trường mà UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, khắc phục trong 30 ngày (từ 15/11 đến 15/12/2016) như cam kết.
Nhưng đến nay đã hơn 2 tháng tình trạng này vẫn chưa được Công ty khắc phục khiến người dân kéo lên trụ sở Công ty để phản đối. Ông Huỳnh Thanh - Quản đốc Công ty TNHH 30-4, cho rằng xưởng chỉ sản xuất phôi gỗ chứ không tinh chế, mọi chỉ số vẫn trong tầm kiểm soát (Kết luận của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường Kon Tum). “Các hóa chất tẩm, sấy gỗ được nằm trong danh mục cho phép. Chúng tôi đang cố gắng hết quý I sẽ đưa bể than hoạt tính vào sử dụng nhằm giảm thiểu khói bụi” - ông Thanh cho biết.
Mặc dù vậy, sáng ngày 3/3, khi làm việc với Đoàn công tác liên ngành do đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Gia Lai) làm Trưởng đoàn; đại diện một số hộ dân và Trung tâm quan trắc và Phân tích môi trường (Quảng Ngãi) được thuê về để lấy mẫu. Ông Nguyễn Kiếm - Phó Giám đốc Công ty lại “lật kèo” cho rằng, “chúng tôi không thể hoàn thiện ngay được mà phải đến tháng 7 - 8 mới khắc phục triệt để”.
Không chấp nhận thái độ của Phó Giám đốc Nguyễn Kiếm và ý kiến có phần thoái thác trách nhiệm của Quản đốc Huỳnh Thanh là “đốt lửa phải có khói”, nhiều người dân yêu cầu cần phải di dời nhà máy ngay.