Từ đường dây nóng, cử tri phản ánh đến kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hoá nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ 12-14/12/2024 về việc: Trang trại chăn nuôi bò sữa tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều hộ dân.
Chiều 13/12, tại kỳ họp thứ 24, các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về tình trạng ô nhiễm do sản xuất, chăn nuôi tại một số địa phương, tình trạng quá tải ở nhiều bãi rác, tiến độ các dự án xử lý chất thải rắn còn chậm.
Ông Lê Sỹ Nghiêm - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Tỉnh hiện có 671 cơ sở (595 cơ sở sản xuất, 76 trang trại) thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp bộ, tỉnh, trong đó, có khoảng 152 cơ sở thuộc nhóm có nguy cơ ô nhiễm, chiếm 22,7%; 318 cơ sở thường phát sinh nhiều bụi trong hoạt động, chiếm 47,4%...
Theo ông Nghiêm, tình trạng gây ô nhiễm môi trường hiện còn xảy ra ở một số địa phương như: Các cơ sở chế biến hải sản ở thị xã Nghi Sơn, huyện Hậu Lộc phát sinh mùi hôi, gây khó chịu; một số trang trại ở huyện Thường Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa... gây mùi hôi và xả nước thải chưa đạt chuẩn ra môi trường.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Hương - tổ đại biểu huyện Thọ Xuân về việc quản lý các cơ sở sản xuất vàng mã nằm dọc bờ sông Mã thuộc huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước và công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở trên, ông Lê Sỹ Nghiêm cho biết: Năm 2021, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đối với 18 cơ sở sản xuất giấy vàng mã.
Kết quả cho thấy, các cơ sở đều có các vi phạm về đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên nước và BVMT ở các mức độ khác nhau. Đối với các vi phạm, đã được ngành nhắc nhở, xử lý theo quy định. Đến nay, các cơ sở trên đều đã đầu tư khu xử lý nước thải; quá trình hoạt động có giám sát của ngành chức năng, chính quyền địa phương.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Cao Tiến Đoan - tổ đại biểu TP Sầm Sơn về nguyên nhân, giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng quá tải ở bãi chôn lấp rác xã Đông Nam (Đông Sơn); bãi rác phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và bãi rác thải phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn), Giám đốc Sở TN-MT nêu rõ: Sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai rộng rãi quy định về phân loại CTRSH tại nguồn; phối hợp với các sở tăng cường đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam, Quảng Minh và phường Đông Sơn khẩn trương hoàn thành, đưa vào hoạt động để đóng cửa các bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, Sở sẽ tham mưu đầu tư các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại quy mô lớn.
Cũng tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở TN-MT đã trả lời câu hỏi của cử tri gửi đến kỳ họp qua đường dây nóng về giải pháp thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn từ ngày 1/1/2025; lãnh đạo huyện Nông Cống trả lời nội dung về việc xả thải ảnh hưởng đến môi trường và việc xử lý sai phạm của ngành chức năng đối với Trang trại chăn nuôi bò sữa tại xã Yên Mỹ (Nông Cống).
Theo đó, sau khi có phản ánh của người dân, huyện Nông Cống đã cử đơn vị lực lượng chức năng kiểm tra, lấy mẫu nước thải gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, mẫu nước thải vượt quy chuẩn cho phép. Hiện nay, huyện đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Để xử lý dứt điểm các vấn đề trên, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên đề nghị: Trong quá trình điều hành, chỉ đạo, cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các quy hoạch đã ban hành để làm cơ sở phòng ngừa, giảm thiểu sự cố môi trường, tránh tình trạng nhiều cơ sở đã xây dựng sai quy hoạch trước đó.
Ông Nguyên đề nghị các sở, ngành, chính quyền các cấp cần tập trung hơn vào thu hút đầu tư và hoàn thiện hạ tầng các KCN, CCN, khu chăn nuôi tập trung của cả tỉnh và các huyện để bố trí các cơ sở sản xuất công nghiệp vào khu vực đó để giảm thiểu và khắc phục ô nhiễm.
Về lâu dài, ông Nguyên đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc theo hướng chỉ chấp thuận đầu tư các dự án sản xuất, chăn nuôi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường gắn với chế biến sản phẩm. Cùng với đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm, không đáp ứng yêu cầu về môi trường.
Đối với tình trạng các bãi rác quá tải, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác. Khi đã có nhà máy, cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý để giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân.