Chuyện xảy ra ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ, một bà cụ già qua đường chậm chạp cùng một thanh niên.
Cậu ta vội đi không dắt bà cụ già. Nhưng bất chợt cả dòng người chờ đèn đỏ sững người phẫn nộ cậu thanh niên thì ít mà với người đàn ông đang ngồi trên yên xe máy chờ đèn đỏ thì nhiều: Thay vì bỏ xe đấy dắt cụ già qua đường, ông ta giương iphone chụp ảnh cảnh cậu thanh niên không dắt cụ già qua đường. Tí nữa chắc ông ta đưa lên Facebook, chờ những lượt like và những lời ném đá đối với cậu thanh niên. Giữa cậu thanh niên và người hoan hỉ chụp ảnh cảnh “không tốt” trên đường phố kia, ai tốt hơn ai? Hay lòng tốt không cần hành động, chỉ cần like?
Câu chuyện xảy ra giữa những người đàn ông đồi bại và một bé gái 14 tuổi ở Thái Bình thật sự làm choáng váng. Tôi không muốn đọc và không muốn kể lại ở đây. Chỉ muốn nói sự suy đồi của đạo đức có vẻ như ngày càng không còn giới hạn.
Điều trớ trêu là những câu chuyện xấu xa như thế này, nếu được đưa lên trên trang cá nhân của ai đó, kể cả là người viết có dùng lời lẽ mạt sát những kẻ đồi bại cỡ nào, thì việc của cộng đồng mạng cũng chỉ là nhấn một nút like, hoặc hơn nữa, là thêm một comment bày tỏ sự phẫn nộ. Cách đây vài năm, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra một thông điệp “bóc mẽ” nút like trên Facebook: “Like không thể cứu sống mạng người. Nhưng tiền có thể”. Thông điệp này được thực hiện dưới hình thức một clip quay cảnh một căn nhà tồi tàn, trong đó Rahim – một cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo đang sống bằng hy vọng mà Facebook dành cho cậu: Ảnh và tình cảnh đáng thương của cậu đưa lên mạng xã hội đã được 177.000 lượt like. Nhưng trong clip, UNICEF đã vạch ra sự thật rằng: Nút like không thể mang tới vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em mà chỉ có tiền từ thiện, quyên góp thật mới có thể làm được điều này.
Đột nhiên, bỗng thấy vô tích sự cái nút like ấy, trước những việc đáng phẫn nộ mà chả có cách nào khác ngoài like.