Trong những chuyến công tác tôi đã có dịp đến nhiều ngôi trường và cũng gặp không ít những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập. Đa phần các em đến trường đều trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ phải chắt chiu từng cân gạo, mớ rau gửi cho con mỗi tuần. Không ít những em phải vượt cả chục cây số đường rừng để đến lớp học cái chữ của thầy cô. Thế nhưng trên những gương mặt sạm nắng gió luôn sáng lên một niềm tin, học cái chữ để sau này cuộc sống sẽ không còn vất vả, để mỗi ngày không cò
ảnh: Thúy Mai
Và có lẽ vì vậy mà câu chuyện của nhiều em học sinh ở trường THCS Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) để lại trong tôi thật nhiều nỗi niềm, ám ảnh nhưng cũng đầy cảm phục. Chẳng là trong số học sinh của trường có nhiều cháu ở bản Xốp Cháo nơi vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ cũng là “vùng trũng” của tỉnh Nghệ An về cơ sở vật chất khi nơi đây gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi chưa có đường, điện lưới, sóng điện thoại…
Có lẽ chính cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề đã hun đúc trong các em một tinh thần hiếu học, niềm khát khao con chữ đến cháy bỏng. Con đường đến trường của các em vô cùng gian nan, phải cắt rừng, vượt lòng hồ trên những chiếc thuyền mỏng mảnh với lỉnh kỉnh sách vở, gạo, rau và cả niềm tin và giấc mơ thoát nghèo của cha mẹ mình.
- Chị vất vả ngày hai buổi đưa cháu đi học thế này thì ruộng nương, nhà cửa ai lo? Tôi hỏi chị Hoa – người phụ nữ vẫn miệt mài ngày hai buổi đưa đón con tới trường.
- Thì chồng mình lo chứ ai. Hai vợ chồng phải một người lo việc học hành cho con, một người lo việc nhà cửa, ruộng nương. Ngày nào cháu được nghỉ thì tôi lại tranh thủ phụ giúp chồng.
Chị Hoa bảo, khó khăn lắm nhưng thấy bọn trẻ ham cái chữ thì vợ chồng mình phải cố thôi. Ở lòng hồ bao năm nay gia đình mình chỉ biết trồng lúa nương, trồng sắn hay vào rừng hái ít măng đem ra chợ bán, tất cả gom hết lại để bọn trẻ được đến trường. “Có nhiều cái chữ mới mong sau này các cháu không phải khổ như bố mẹ chúng”, chị cười bảo vậy.
Xốp Cháo có 87 hộ đồng bào Khơ mú với 462 nhân khẩu. Cả bản có 40 học sinh tiểu học và 21 cháu mầm non. Để đến được trường thì chỉ có một con đường duy nhất là đi thuyền, nếu gia đình không có thuyền, các em học sinh phải đi đò dịch vụ, với giá cả đi lẫn về 10.000đồng, một tháng trừ những ngày nghỉ mỗi gia đình phải mất khoảng 200 ngàn đồng. Đây có lẽ là một khoản tiền không nhỏ với những người dân bản Xốp Cháo khi nguồn thu nhập duy nhất của họ trông vào cây lúa, củ sắn. Thế nhưng các cháu ở đây, đứa nào cũng ham học, rất ít khi có chuyện học sinh bỏ học giữa chừng, cũng chẳng có chuyện bố mẹ bắt nghỉ học để lên nương rẫy hay đi làm thuê làm mướn.
Trong khi tại nhiều nơi ở vùng cao vẫn còn những lớp học vắng hoe hoắt vì học sinh phải nghỉ học theo cha mẹ lên nương rẫy; vẫn còn những thầy cô tận tụy lội suối, băng rừng đến từng nhà để vận động các em đến lớp học…Thì những đứa trẻ ở bản Xốp Cháo thật đáng để tuyên dương. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của một người dân nơi đây, “chỉ mong các con có nhiều chữ để bớt khổ, nếu sau này các cháu muốn học cao hơn thì phải ra xã hay xuống tận thị trấn, vợ chồng mình cũng sẽ cố thôi”.