“Quan điểm của chúng tôi là, khi khách hàng phản ánh về tình trạng sản phẩm của doanh nghiệp bị lỗi, hỏng một chi tiết nào đó, cần thiết phải đổi, chúng tôi sẵn sàng đổi ngay cho khách hàng và còn kèm thêm những chế độ ưu đãi khác như sẽ gia hạn thêm thời gian bảo hành sản phẩm hoặc những ưu tiên khác” – một vị giám đốc chia sẻ về cách mà một doanh nghiệp (DN) có thể giữ chân được khách hàng.
Theo vị giám đốc này, trong kinh doanh, ở bất kỳ trường hợp nào khách hàng vẫn luôn đúng, như vậy DN mới luôn được khách hàng yêu mến, tín nhiệm và quay lại lần sau và những lần khác nữa.
Tuy nhiên, nhiều DN Việt hiện nay vẫn có tư duy “đổ trách nhiệm cho khách hàng trước hết”. Vị giám đốc này chia sẻ: có những DN, mới chỉ nghe khách hàng phản hồi là “hàng của anh bị lỗi” đã “chụp mũ” ngay cho khách hàng là “lỗi đó không phải do DN gây ra” và nhất định không chịu đổi hàng miễn phí cho đối tác của mình. Trong văn hóa kinh doanh, chúng ta cần phải ưu tiên và lắng nghe khách hàng, thay vì đổ trách nhiệm cho bất cứ ai, chúng ta cần phải nhận trách nhiệm về mình.
Tôi vẫn nhớ có một hãng giày rất nổi tiếng của nước ngoài, khi bán một đôi giày cho một vị nữ khách, ngày hôm sau, vị nữ khách đòi đổi trả, hãng giày này đã rất vui vẻ nhận lời đổi ngay cho vị khác một đôi giày mới và còn kèm thêm một bưu thiếp và bó hoa với lời chúc: “Chúc khách hàng luôn hài lòng với sản phẩm mới này! Chúng tôi vô cùng biết ơn và luôn sẵn sàng phục vụ quý khách”. Hãng giày đó sau ngày càng phát triển mạnh mẽ và mở rộng quy mô.
Những hành động dù rất nhỏ thôi cũng cho thấy văn hóa kinh doanh luôn là điểm mấu chốt để doanh nghiệp có thể tồn tại lâu dài.