Dân số vàng được xem là cơ hội cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên nếu không tăng tốc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam không những để tuột mất cơ hội vàng mà sẽ khó phục hồi trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Lo ngại trên của các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở khi mà những thống kê gần đây đều cho thấy, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn. Doanh nghiệp (DN) được coi là nhân tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xong hiện ở các DN việc đào tạo vẫn chỉ dừng lại “tự phát” cần đến đâu đào tạo tới đó, chưa thực sự được DN coi là giải pháp nâng cao năng suất lao động.
Nói về những điểm nghẽn chất lượng nguồn nhân lực, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Trương Anh Dũng cho rằng, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với khoảng 55 triệu lao động, nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, khi chỉ có khoảng 24,5% lao động có bằng cấp, chứng chỉ.
Đáng chú ý, tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên, nhưng làm những công việc đòi hỏi vị trí việc làm ở trình độ cao đẳng trở xuống lại tăng nhanh, trong 10 năm qua, tỷ lệ này tăng từ 2% lên đến 25%. “Chúng ta sẽ “hết giờ” để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, nếu không tăng tốc đầu tư vào con người và phát triển nhân lực có kỹ năng” - ông Dũng đánh giá.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có khoảng 48% số lao động cần đào tạo lại, 53% số DN trong nước không dự báo được tương lai, 68% số cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của dịch bệnh.
Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện các DN đang “thiếu máu” trầm trọng, đặc biệt nguồn lực về vốn và chất lượng nguồn nhân lực. “Chúng ta đã có những chính sách về chuyển đổi số, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng mới dừng lại ở chủ trương, chính sách; cần phải có sự quyết liệt hơn về củng cố nền tảng tăng trưởng, đặc biệt nguồn lực như đầu tư cho khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực lao động có kỹ năng, đặc biệt thu hút tài năng, tinh hoa” - ông Tuấn nói.
Còn ông Nguyễn Đức Khương, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu và trưởng khoa tài chính - kiểm toán - kế toán tại Trường Kinh doanh IPAG, cho rằng Covid-19 đặt ra thách thức cho đổi mới sáng tạo do đó, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo, nhân lực, tài chính, vốn, chia sẻ rủi ro với DN để ứng phó với các thách thức là thay đổi mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ và dữ liệu lớn, chủ thể số, dịch vụ lưu động, nền tảng dùng chung, nguồn lực con người.
Cho rằng phục hồi thị trường lao động là một cấu phần của chương trình phục hồi kinh tế, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội nhấn mạnh, việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm theo hướng tiến bộ; nâng cao chất lượng lao động, hỗ trợ tạo việc làm và thu nhập bền vững cho người lao động sẽ là chìa khóa để khôi phục nền kinh tế sau dịch. “Kinh nghiệm các quốc gia có thị trường lao động ổn định và phát triển cho thấy, cần phải chú trọng vấn đề đào tạo, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để DN có thể tổ chức đào tạo người lao động; sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp như một công cụ “giá đỡ” hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Chúng ta phải thật sự có các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đầu tư cho lĩnh vực này” - ông Lợi nói.