Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất, thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, Chính phủ cần có các hỗ trợ, ưu đãi về tài chính để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ hơn.
Năm 2023 trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam”, đã lựa chọn 10 doanh nghiệp (DN) thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Các DN thuộc các lĩnh vực khác nhau như sản xuất giấy, sản xuất thép; sản xuất sợi, sản xuất điện... Kết quả, hàng chục giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được đề xuất cho mỗi DN.
Hưởng lợi từ tiết kiệm năng lượng
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, theo tính toán, nếu áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng đề xuất, DN có thể tiết giảm chi phí lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Ví dụ, Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor có tiềm năng tiết kiệm điện năng là 191.126 kWh/năm, tương đương khoảng hơn 350 triệu đồng; thời gian hoàn vốn trong vòng 3 năm. Công ty TNHH MTV Vina Paper có thể tiết kiệm một lượng điện khoảng 1.326.131 kWh/năm, 291,85 tấn than/năm và 0,68 tấn gas LPG/năm, tương đương tiết kiệm khoảng 5,4 tỷ đồng/năm với chi phí đầu tư khoảng 20,7 tỷ đồng…
Một DN khác là Công ty cổ phần Thép Việt Ý. Đơn vị này đã thực hiện giải pháp lắp biến tần cho bơm nước hồi thay cho van tay, giảm tốc độ cho bơm; từ đó tiết kiệm hơn 525.000 kWh/năm, tương đương gần 870 triệu đồng.
Ngành thép là ngành có mức tiêu thụ năng lượng lớn. Theo kết quả kiểm toán năng lượng Hàn Quốc, với các giải pháp đề xuất tổng hợp như hiệu chỉnh quá trình cháy lò nung phôi, lắp đèn năng lượng mặt trời, lắp máy biến tần, thu hồi nước ngưng từ hơi xả lò khí hóa than… Thép Việt Ý có thể tiết kiệm tới gần 19 tỷ đồng/năm.
Mặc dù kết quả đem lại rất lớn nhưng phản ánh từ các địa phương, DN cho thấy, việc triển khai công nghệ nhằm tối ưu hóa, tiết kiệm năng lượng trong khu công nghiệp không dễ.
Tại Vĩnh Phúc, theo thống kê với 16 khu công nghiệp (KCN), 16 cụm công nghiệp đến hết tháng 11/2023, các KCN thu hút được hơn 600 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đến đầu tư, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhằm triển khai hiệu quả Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN sử dụng năng lượng tiết kiệm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương Vĩnh Phúc, các DN nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào quản lý sản xuất và bán hàng mà ít để ý đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, đội ngũ nhân sự thiếu và yếu cũng là một nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Tăng đầu tư vốn cho doanh nghiệp
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP 3) đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 – 2025, đạt mức tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 - 2030. Để thực hiện hiệu quả chương trình, thời gian qua, việc huy động nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực; nguồn lực từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư xanh, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn đang trong thời kì sơ khai, còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi và biến động khó lường. Do đó, tăng trưởng xanh thời gian tới đòi hỏi sự chung tay, góp sức, nỗ lực hơn nữa của toàn xã hội, đặc biệt là các địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh. Muốn vậy, cần có lộ trình phù hợp dựa trên điều kiện thực tiễn, cũng như năng lực của từng địa phương.
“Tính đến nay, đã có 6 Bộ, 26 tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh và 11 tỉnh đang xây dựng, trình phê duyệt Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh và sẽ phê duyệt vào cuối năm 2023, chậm nhất Quý I/2024. Việc thực hiện tăng trưởng xanh trong thời gian tới đây đòi hỏi sự chung tay, góp sức, nỗ lực hơn nữa của các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh” - ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Đề cập về những thách thức trong tiến trình tiết kiệm năng lượng, ông Trịnh Quốc Vũ cũng cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trước đây cũng như Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3), đã đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên còn nhiều việc phải làm để tối ưu hóa quá trình năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong tất cả các ngành, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng của toàn quốc.
Thực tế, tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam, WB ước tính, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0” (Net Zero), Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP (tương đương 368 tỷ USD) từ nay đến năm 2040. Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp. Chỉ riêng nguồn vốn cho chuyển đổi năng lượng của ngành điện cũng cần tối thiểu từ 14-16 tỷ USD mỗi năm; hay tổng nhu cầu đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của một số ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam ước tính khoảng 3,6 tỷ USD...
Đề cập đến nguồn vốn để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, các DN rất muốn phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, trong đó tiết kiệm năng lượng là một trong các giải pháp quan trọng, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả từ vốn lẫn cơ chế, chính sách. Đặc biệt, với cộng đồng DN vừa và nhỏ.
Theo ông Vinh, trong số hơn 98% cộng đồng DN vừa và nhỏ có rất nhiều DN đã nhận thức về chuỗi giá trị, phát triền kinh tế xanh nhưng có thể thiếu tiềm lực về tài chính nên đã không thể triển khai được. “Các DN này rất cần những giải pháp tài chính, chính sách từ những định chế tài chính, ngân hàng để có thể đưa ra những gói hỗ trợ cho các DN triển khai, theo đuổi chiến lược. Bên cạnh đó, các DN cần có những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, cần phải có khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ các DN tạo ra một môi trường kinh doanh xanh...” - ông Vinh cho hay.
Ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:
Chấm dứt sử dụng năng lượng lãng phí
Hiện nay các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 20 - 30%. Tuy nhiên, thực trạng sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu thế sử dụng nhiều tài nguyên đặc biệt là năng lượng. Do đó, cần chấm dứt sử dụng năng lượng lãng phí và cần cải thiện hơn chất lượng sử dụng năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn. Nhà nước cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và người dân tuân thủ thực hiện tiết kiệm năng lượng. Đồng thời phải có cơ chế khuyến khích ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp tiết kiệm năng lượng. Trong đó, có cơ chế và huy động nguồn tài chính giá rẻ để khuyến khích đầu tư hiệu quả năng lượng là nhân tố rất quan trọng để hướng đến tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp.