An toàn giao thông là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Để giao thông luôn an toàn thì thái độ, văn hóa ứng xử của người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng. Chính bởi vậy, rất cần xây dựng thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ giúp giảm tai nạn mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng.
Xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông sẽ trở thành biện pháp hữu hiệu trong việc đảm bảo trật tự và an toàn giao thông (ATGT).
Ý thức tham gia giao thông còn kém
Hiện nay, hệ thống giao thông đã được nâng cao rất nhiều so với trước đây. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư, những hình ảnh, dòng chữ tuyên truyền về ATGT xuất hiện trên nhiều tuyến đường như một lời nhắc nhở. Song tình trạng ùn tắc ở những thành phố lớn vẫn tiếp diễn, những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc vẫn xảy ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên, nhưng đa số bắt nguồn từ việc thiếu ý thức của người tham gia giao thông.
Thực tế đang diễn ra ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… Người tham gia giao thông thấy chỗ trống là “điền vào”, không cần biết đó là đường cấm hay ngược làn. Có những trường hợp sẵn sàng đi ngược chiều, leo lên vỉa hè. Đó là những biểu hiện coi thường luật pháp, coi thường người tham gia giao thông và thậm chí coi thường ngay cả tính mạng của mình.
Không chỉ ở những tuyến đường dân sinh, ngay trên những đường cao tốc, nhiều phương tiện không được phép vẫn vi phạm, thậm chí đi ngược chiều dẫn đến những vụ tai nạn hết sức thương tâm. Giữa tháng 2 vừa qua đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô tải với 2 xe máy đi hướng ngược chiều trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Vụ tai nạn khiến cả 4 thanh thiếu niên đi trên 2 xe máy tử vong tại chỗ.
Hay gần đây nhất là vụ việc 2 thanh niên đi xe máy vi phạm giao thông, gây gổ với người đi đường khi đi trên đường Vành đai 2 đoạn qua quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Điều đáng chú ý, đây là tuyến đường chỉ dành cho xe ô tô.
Theo TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), tình hình giao thông nước ta hiện nay thực sự rất nhức nhối. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhiều chính sách, quy định pháp luật nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
“Quan sát trên đường có thể nhận thấy việc đi lại còn rất lộn xộn. Những quy định ATGT của chúng ta rất tốt, nhưng vấn đề giáo dục về văn hóa giao thông cần được tăng cường hơn nữa. Việc tham gia giao thông có trách nhiệm, nhường nhịn nhau vẫn là vấn đề khó thực hiện. Khi va chạm giao thông xảy ra thì rất dễ dẫn đến bạo lực. Bên cạnh đó, nhiều người khi tham gia giao thông vẫn còn mang tính hình thức đối phó khi không có sự xuất hiện của cơ quan chức năng, ý thức tự giác còn thiếu” - bà Hồng nói.
Tình hình vi phạm trật tự ATGT của học sinh các cấp cũng rất đáng lo ngại. Nhất là học sinh THCS, THPT đi học bằng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông... Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội có thể bắt gặp hình ảnh các bậc phụ huynh chở con không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều… Đó cũng là một trong những biểu hiện xấu có thể khiến cho các em bắt trước.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân là do ý thức tham gia chấp hành giao thông của học sinh. Ý thức đó được kết hợp, hình thành, tồn tại trong nhận thức, trong suy nghĩ, trong tình cảm, trong hành xử của các học sinh hàng ngày. Tức là nhận thức về việc làm này chưa trở thành kỹ năng, ý thức mang tính chất thường xuyên của các em.
Xây dựng văn hóa giao thông
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông là do ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông chưa cao. Do đó, xây dựng văn hóa giao thông được coi là giải pháp tối ưu để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, tạo môi trường giao thông an toàn.
Những năm gần đây, trong chương trình Hưởng ứng năm ATGT do Ủy ban ATGT Quốc gia phát động đều liên quan đến văn hóa giao thông.
Theo TS Lê Thu Huyền (Trường Đại học Giao thông vận tải), để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông đúng mực và an toàn, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp. Từ đó, cho phép thay đổi nhận thức và thói quen của người tham gia giao thông.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Hùng Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển cho rằng, cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của văn hóa giao thông trong đời sống hiện nay. Đây vừa là trình độ dân trí, biểu hiện cụ thể của sự văn minh trong ứng xử, cũng như thể hiện thái độ sống, lòng tự trọng mà mỗi cá nhân trong xã hội phải phấn đấu rèn luyện.
Nêu quan điểm của mình, TS Khuất Thu Hồng khẳng định, để xây dựng, nâng cao văn hóa giao thông, không còn cách nào khác ngoài giáo dục. Để xây dựng được văn hóa giao thông, trước tiên phải được giáo dục từ trẻ em. Bởi trẻ em không tự nhiên có những hành vi sai lệch nếu chúng không nhìn thấy người lớn làm điều tương tự. Khi người dân tham gia các hoạt động công cộng phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, thực hiện đúng luật, nhường nhịn nhau chứ không phải bằng bạo lực.
Văn hóa giao thông là giải pháp hữu hiệu
Theo TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp liên quan đến đảm bảo trật tự ATGT. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập trong vấn đề ứng xử của dân khi tham gia giao thông. Trên thế giới, các nước phát triển quản lý giao thông cơ bản bằng pháp luật, đồng thời phát triển văn hóa giao thông để giảm thiểu một cách bền vững tai nạn cũng như ùn tắc giao thông. Văn hóa được ví như một loại vaccine điều trị tận gốc những vấn nạn giao thông. Bởi văn hóa là những giá trị bền vững cả vật chất và tinh thần trong lĩnh vực giao thông. Văn hóa giao thông gồm: quy hoạch; hạ tầng, trang thiết bị tổ chức giao thông; ban hành luật, thực thi luật và chấp hành luật đều gắn liền với nhau. Luật thì chuẩn mực, thực thi nghiêm minh, chấp hành cũng phải nghiêm chỉnh. Chấp hành nghiêm chỉ là phải tuân thủ pháp luật, ứng xử với người thực thi pháp luật phải chuẩn mực, ứng xử với hạ tầng giao thông chuẩn mực. Chúng ta phải đẩy mạnh công cuộc xây dựng văn hóa giao thông một cách toàn diện để hỗ trợ cho hoạt động giao thông an toàn, bền vững, tạo một môi trường giao thông thân thiện nhân ái.