Văn hóa

Lan tỏa văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Phạm Sỹ 28/03/2024 07:18

Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ khiến sách dường như bị bỏ quên, đặc biệt là ở các bạn trẻ. Dù đã có nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc nhưng hành trình vẫn còn rất gian nan.

anhbaitren.jpg
Cần có một môi trường tốt để lan tỏa văn hóa đọc đến người trẻ. Ảnh: P.Sỹ.

Thói quen đọc sách thay đổi

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng lại có đến 70% người dân sử dụng internet, nằm trong nhóm đầu thế giới.

Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam không thật sự mặn mà với đọc sách. Người trẻ có thể dành vài ba tiếng mỗi ngày để xem tivi, lướt web, truy cập mạng xã hội nhưng rất khó khăn trong việc ngồi yên 30 phút để đọc sách. Bên cạnh đó, thời gian dành cho vui chơi, giải trí của người trẻ ngày càng ít. Hệ thống thư viện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao và đa dạng của người trẻ. Hầu hết, các cơ sở vật để phục vụ nhu cầu đọc còn nghèo nàn, thiếu thốn…

Không thể phủ nhận, việc tìm hiểu thông tin thông qua các thiết bị di động mang lại nhiều tiện ích. Song theo nhận định của các chuyên gia, thông tin không được người tiếp nhận chọn lọc, văn hoá đọc thậm chí còn bị những thông tin rác tạo ra những lệch lạc về thị hiếu, thẩm mỹ. Kiến thức, nhận thức về các vấn đề của xã hội cũng bị hạn chế đi rất nhiều.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thế hệ trẻ là những công dân số sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến có khả năng mở rộng các cơ hội truy cập thông tin không giới hạn. Điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen và đặc điểm của họ đối với việc đọc, đặc biệt là đọc sách. Sự chú ý của thế hệ này ngày càng trở nên ngắn hơn, họ có xu hướng tìm kiếm các thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là âm thanh hay con chữ, được cá nhân hoá theo sở thích. Vì vậy, trong tương lai, sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu liên quan đến chủ đề này làm cơ sở xây dựng các chính sách phù hợp.

Mặc dù các sản phẩm xuất bản khá đa dạng, nhưng trên thị trường hiện nay sách giả, sách lậu… vẫn đang tồn tại như một vấn nạn. Bên cạnh sách in thì sách nói (audio book) và sách điện tử (ebook) lại càng dễ dàng bị làm giả, sao chép. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển văn hóa đọc.

Nói về vấn đề này, ThS Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, không ít đối tượng chạy theo lợi nhuận. Những người khai thác, sử dụng sách trên không gian mạng chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả. Nhiều người vẫn mua sách rẻ mặc dù biết rằng có thể đó là sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền.

Nâng tầm văn hóa đọc

Năm 2019, Luật Thư viện đã được thông qua, với những quy định này, các thư viện đã nâng cao năng lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Tích cực góp phần phát triển văn hóa đọc. Cùng với đó là các hoạt động mang tính phong trào góp phần truyền cảm hứng, thúc đẩy cộng đồng đến với sách như đường sách, hội sách, các cuộc thi bình sách… Song về cơ bản, muốn hình thành, phát triển một nền văn hóa đọc lâu dài thì phải hình thành một thói quen đọc sách trong cộng đồng.

Trong những năm qua, thư viện công cộng cấp tỉnh trên cả nước đã duy trì thường xuyên tổ chức thư viện lưu động đến các trường học, thôn, tổ dân phố, phòng đọc cơ sở, khu công nghiệp… vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm khuyến khích người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đọc sách.

Mặc dù đã có cải thiện nhưng chưa làm thay đổi được hiện trạng về văn hóa đọc hiện nay. Thay đổi ở đây là đã có nhiều người quan tâm đến văn hóa đọc hơn, các thư viện có thêm độc giả nhưng sự tiến triển so với tiềm năng chưa đáng kể.

Ngay tại Hà Nội, để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, Thư viện Hà Nội đã phối hợp với một số nhà xuất bản, nhà sách triển khai thực hiện phục vụ thư viện lưu động tại một số không gian công cộng.

Bà Phạm Thu Hạnh - Trưởng phòng Nghiệp vụ và Phong trào cơ sở (Thư viện Hà Nội) cho biết, hoạt động thư viện lưu động tại công viên, vườn hoa hướng tới xây dựng một môi trường đọc cởi mở với mọi đối tượng bạn đọc. Đây là mô hình thư viện lưu động có cách thức phục vụ linh hoạt. Người dân được đọc sách tại một không gian mở sẽ có một trải nghiệm thú vị.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc. Cải thiện tri thức trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các hình thức thông tin, truyền thông cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng các phương thức mới, hiện đại nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, tính hấp dẫn, thu hút đối với người dân. Đặc biệt, huy động sự tham gia phối hợp có hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trong cả nước và huy động sự tham gia, phối hợp triển khai có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc và tăng cường vai trò của gia đình trong phát triển văn hóa đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO