Thông tin từ Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đến nay, 100% các Bộ đã có nền tảng chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP). Điều này góp phần tạo lập nền tảng sẵn sàng cho việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông suốt từ Trung ương đến địa phương để thực hiện các mục tiêu của chính phủ điện tử.
Vì sao phải tích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu?
Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ và Quyết định 153/QĐ-TTg ngày 31/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, đến hết năm 2020, 100% các bộ, địa phương phải kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. Có thể nói, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ này không hề dễ.
Theo đó, thời gian qua, dù các bộ, ngành rất nỗ lực tạo lập nền tảng cho việc kết nối nhưng cũng vấp phải không ít khó khăn. Bởi vì thực tế giai đoạn trước dù đã nỗ lực hướng tới chính phủ điện tử, số hóa các dịch vụ nhưng mỗi bộ có hệ thống thông tin khác nhau, không liên thông với các bộ ngành mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan đã gây ra sự tắc nghẽn nhất định để hướng tới nền hành chính không giấy tờ.
Liên quan đến tính kết nối, chia sẻ dữ liệu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử thì vẫn còn một số vấn đề như việc xây dựng chồng chéo, các bộ ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm khác nhau và không có khả năng liên thông…
Trước những vướng mắc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đặt câu hỏi “Chúng ta có đưa được toàn dân tham gia Chính phủ điện tử hay không? Các bộ ngành địa phương đã vào cuộc hay chưa?”. Đây là vấn đề rất lớn để xây dựng Chính phủ điện tử thành công và Chính phủ cũng xác định việc xây dựng Chính phủ điện tử phải thực hiện trong nhiều giai đoạn.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tham gia nền kinh tế số, thúc đẩy các giao dịch điện tử. Chúng ta đang phát triển tốt, nhưng không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm. Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ điện tử sẽ tăng cường tính minh bạch và chống tham nhũng, lấy người dân làm trung tâm để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng nếu người dân không dùng các dịch vụ công thì Chính phủ điện tử không thành công.
100% bộ, ngành có nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp bộ
Theo Cục Tin học hóa, đã có 61 tỉnh, 21 bộ đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Từ 1/1/2020 đến ngày 29/10, tổng số giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia vào khoảng 4,2 triệu giao dịch (năm 2019 chỉ là 2,3 triệu), mỗi ngày khoảng 14.000 giao dịch. Hiệu quả thu được là rất lớn, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức.
Chẳng hạn, sau 1 năm thực hiện liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đã xử lý 1.200.417 hồ sơ liên thông; việc này đã giúp người dân, công chức, hộ tịch, tư pháp, bảo hiểm xã hội không phải thực hiện 2 thủ tục là khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhập dữ liệu trên hai phần mềm khác nhau. Rõ ràng việc liên thông cơ sở dữ liệu không chỉ phục vụ người dân nhanh hơn, minh bạch hơn mà còn hỗ trợ rất nhiều trong việc hoàn thành nhiệm vụ của chính các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Cục Tin học hoá cũng cho biết, để tiếp tục phát huy hiệu quả của các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong toàn quốc, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đồng hành, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai kết nối LGSP với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Việc này sẽ giúp các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao trong năm 2020. Quan trọng hơn, việc này sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm.