Chưa đầy 1 năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch, đến nay, đã có 10 loại vaccine khác nhau được phê duyệt sử dụng ở các nước trên thế giới. Trước mối nghi ngờ cho rằng, khu vực châu Á có nguy cơ bị tụt lại trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 tại khu vực này, đặc biệt tại Đông Nam Á.
Tăng tốc
Sáng 4/3, Thủ tướng Hun Sen cùng hầu hết các Bộ trưởng trong nội các Campuchia và nhiều quan chức cấp cao khác đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca tại bệnh viện Calmette, thủ đô Phnom Penh.
Ngay sau khi nhận được 324.000 liều vaccine AstraZeneca vào ngày 2/3 vừa qua nhờ cơ chế COVAX, Campuchia đã bắt đầu tổ chức tiêm phòng loại vaccine này từ sáng nay, ưu tiên cho những người trên 65 tuổi. Thủ tướng Hun Sen và các quan chức trong Chính phủ Campuchia tình nguyện tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm khuyến khích người dân tích cực tham gia tiêm phòng để ngăn chặn dịch bệnh. Chính phủ Campuchia có kế hoạch sẽ cung cấp vaccine ngừa Covid-19 miễn phí cho 80% dân số (tương đương 10 triệu người), đến nay đã có hơn 125.000 người Campuchia được tiêm phòng, trong đó gần 85.000 người thuộc lực lượng vũ trang.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Vaccine không phải là giải pháp duy nhất, nhưng vaccine là giải pháp chiến lược, cùng với các biện pháp y tế khác đã được đề ra. Cùng với đó, chúng ta cũng phải tăng cường kiểm soát xuất nhập cảnh, xét nghiệm, cách ly và điều trị… Đây chính là những biện pháp để có thể giành được chiến thắng trước dịch bệnh này”.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, nước này đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 1 triệu người mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 6/2021. Mục tiêu này được đưa ra theo kế hoạch số lượng vaccive sẽ đến Indonesia với tổng số 426 triệu liều. Cụ thể, 90 triệu liều vaccine được cung cấp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2021, số còn lại đến từ tháng 7 đến tháng 12/2021.
Theo ông Budi, trong tháng 3 và tháng 4, mỗi ngày sẽ có khoảng 500.000 nghìn người được tiêm chủng và đến các tháng 6,7 có 1 triệu người được tiêm. Ông kêu gọi người dân tích cực tham gia chương trình tiêm chủng, nhấn mạnh đây là một nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 3/3, người đứng đầu ngành y tế Malaysia Adham Baba cho biết, giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 thông minh cho những người được tiêm chủng dự kiến sẽ được cấp trong một tháng tới. Giới chức nước này đang thảo luận với WHO về các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo giấy chứng nhận nói trên đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Malaysia bắt đầu bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng phòng Covid-19 giai đoạn một từ ngày 24/2 với đối tượng ưu tiên là những người làm việc tại tuyến đầu phòng chống dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Baba, hiện chỉ các bệnh viện công mới cung cấp vaccine Covid-19. Chính phủ đang xem xét cung cấp vaccibe cho các bệnh viện tư nhân để có thể bắt đầu vào giai đoạn hai của chương trình, dự kiến bắt đầu vào tháng Tư tới.
Trong khi đó, mục tiêu của Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, là tiêm phòng Covid-19 cho hơn 181 triệu người để đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại nước này đã được khởi động hồi tháng 1 bắt đầu từ nhóm các nhân viên y tế, công chức và người cao tuổi.
Philippines cũng đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp các vaccine Covid-19 của Pfizer, AstraZeneca và Sinovac. Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) hôm qua trở thành nhà sản xuất thứ 6 nộp đơn xin cấp phép tại nước này.
Châu Phi không nằm ngoài “cuộc chơi”
Ngân hàng Thế giới (WB) sẵn sàng tài trợ khẩn cấp để giúp khoảng 30 nước châu Phi tiếp cận được vaccine ngừa Covid-19, trong bối cảnh châu lục Đen đang nỗ lực đảm bảo có được vaccine và bắt đầu tiến hành tiêm chủng cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Đến nay, chỉ có rất ít quốc gia châu Phi triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà, trong khi một số nước ở những khu vực giàu có hơn trên thế giới đã tiêm hàng triệu liều vaccine.
Nhiều nước châu Phi phải dựa vào vaccine thông qua cơ chế phân phối toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đứng đầu. Tuần trước, những liều vaccine đầu tiên theo cơ chế này đã tới Ghana.
WB cho biết các dự án tài trợ đã được chuẩn bị ở các nước châu Phi, trong đó có Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Niger, Mozambique, Tunisia, Eswatini, Rwanda và Senegal. Tuy nhiên, WB không tiết lộ số tiền tài trợ trong các cuộc thảo luận.
Người phát ngôn WB nêu rõ: “Các quỹ hiện đã sẵn sàng, và đối với phần lớn các nước châu Phi, việc tài trợ sẽ là cấp miễn phí hoặc có điều kiện mang tính nhân nhượng”.
Tuy nhiên, một hệ lụy tất yếu sẽ xảy ra khi vaccine đang được coi là công cụ quan trọng để kiểm soát đại dịch Covid-19. Ngày 3/3, Tổ chức Hình cảnh Quốc tế (Interpol) ra tuyên bố cho biết, tại Trung Quốc, cảnh sát đã bắt 80 người tại một công xưởng bị cáo buộc làm giả vaccine, phát hiện ít nhất 3.000 liều. Tại Nam Phi, cảnh sát bắt 3 công dân Trung Quốc và 1 công dân Zambia trong một nhà kho ở Gauteng, nơi phát hiện 2.400 liều vaccine giả.
Hiện chưa rõ thời gian diễn ra các vụ triệt phá trên nhưng vụ bắt giữ ở Nam Phi được báo Sunday Times đưa tin hồi cuối tháng 12/2020. Interpol cho biết họ cũng nhận được thông tin về các đường dây sản xuất vaccine giả khác.
Interpol nhấn mạnh không loại vaccine đã được phê duyệt nào “có thể mua trực tuyến”. “Bất kỳ loại vaccine nào quảng cáo trên các trang web mở hay kín đều trái phép, chưa qua thử nghiệm và có thể nguy hiểm” - Interpol cảnh báo.
Phát ngôn viên Bộ Công an Trung Quốc cho hay họ đang tiến hành một “chiến dịch nhằm ngăn chặn và trấn áp tội phạm vaccine”, đồng thời tăng cường hợp tác với Interpol và cảnh sát quốc gia khác để ngăn chặn hiệu quả hoạt động tội phạm.
Tổng Thư ký Interpol Jürgen Stock cũng hoan nghênh các hoạt động của cảnh sát Trung Quốc và Nam Phi, nhưng nói rằng “đây chỉ là phần nổi của tảng băng ” liên quan tới tội phạm vaccine Covid-19.
Tháng 12 năm ngoái, Interpol đã cảnh báo cảnh sát toàn cầu ở 194 quốc gia thành viên, đề nghị sẵn sàng ứng phó các mạng lưới tội phạm vaccine Covid-19, đồng thời đưa ra khuyến nghị về cách phát hiện các sản phẩm y tế giả.
Ngày 4/3, Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc thông báo, 2 người đàn ông đã tử vong sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 Astra Zeneca. Tuy nhiên, chưa xác định được nguyên nhân tử vong có liên quan đến loại vaccine này. Sau khi được tiêm vaccine ngừa Covid-19, hai người này đã xuất hiện các triệu chứng liên quan đến hô hấp, tim mạch, sốt cao và đau nhức toàn thân.