Ngày 1/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2021, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Chính phủ đã đưa ra 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới.
Kinh tế vĩ mô ổn định
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều. Ở trong nước, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của Covid-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế.
Khoảng 30 triệu liều vaccine về trong quý III
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến từ quý III/2021, số lượng vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam tương đối lớn (khoảng 30 triệu liều trong quý III). Các bộ, cơ quan đang tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc, phấn đấu đạt 70-75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Tính đến ngày 29/6, cả nước đã có hơn 3,61 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó có gần 200.000 người được tiêm đủ 2 liều.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Điểm nhấn trong kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm là kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Các cân đối lớn được đảm bảo.
Đáng chú ý, tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. An ninh lương thực được đảm bảo, dù một số quốc gia đang thiếu lương thực và giá cả tăng cao do dịch Covid-19. Giữ vững an ninh năng lượng, vận hành ổn định thị trường điện.
Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ
Ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ, tại buổi họp báo Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chiều 1/7, Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 68 về ban hành một số chính sách đối với người lao động và người sử dụng lao động khó khăn bởi dịch Covid-19 trong đợt 4, nhất là người lao động trong khu công nghiệp và chế xuất.
Theo Bộ trưởng Dung, mục tiêu chính sách hỗ trợ tập trung vào 2 đối tượng là người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu do tác động của dịch Covid, trong đó tập trung chủ yếu vào công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Việc thiết kế chính sách lần này được thiết kế đơn giản nhất, và thủ tục hành chính lần này so với gói trước thì giảm 2/3 thủ tục để đảm bảo tính khả thi.
Bộ trưởng Dung cũng cho biết có 12 nhóm chính sách. Theo đó nhóm thứ nhất miễn và giảm mức giảm đóng bảo hiểm về tai nạn lao động. Như vậy có khoảng 11 triệu người được thụ hưởng với số tiền khoảng 3.800 tỷ đồng. Riêng lực lượng vũ trang và cán bộ người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước không áp dụng chính sách này.
Nhóm thứ hai, theo Bộ trưởng Dung là hỗ trợ người lao động tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất. Trước đây trong gói hỗ trợ lần trước doanh nghiệp đã được miễn trong 6 tháng, thì bây giờ tiếp tục được hưởng tiếp chính sách.
“Thứ ba là chính sách đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp và duy trì và khôi phục thị trường lao động. Đây là lần đầu tiên sử dụng quỹ này để cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động đào tạo bồi dưỡng chuyển công việc, mức mỗi người được hỗ trợ 1,5 triệu/tháng, hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng và áp dụng ngay từ 1/7”, Bộ trưởng Dung nói.
Nhóm chính sách thứ tư nhằm hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với những người nghỉ việc từ 1/5- 31/12. Những người bị hoãn hợp đồng trong 15 ngày liên tục được hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người, còn trên 1 tháng là 3,710 triệu đồng/người.
Tiếp đó là lao động ngừng việc do cách ly y tế nằm trong vùng phong tỏa trong thời gian từ 1/5-31/12 thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng.
Thứ sáu chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ 1/5-31/12 thì được hưởng 1 lần với mức 3,710 triệu đồng/người.
Thứ bảy là bổ sung chính sách đối với trẻ em và phụ nữ mang thai là công nhân làm việc trong khu công nghiệp. Theo đó phụ nữ mang thai ngoài chính sách bình thường thì được hưởng thêm 1 triệu/người. Và người đang nuôi con dưới 6 tuổi thì mỗi cháu được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/cháu. Còn trẻ em thì ngoài hỗ trợ tiền ăn thì mỗi cháu được 1 triệu đồng để mua đồ dùng sinh hoạt cho các cháu.
Thứ tám là hỗ trợ tiền ăn 80 nghìn đồng/ngày với người đang điều trị Covid và người cách ly y tế F1. Tuy nhiên người điều trị không hỗ trợ quá 45 ngày, còn cách ly y tế không quá 21 ngày.
Thứ chín là hỗ trợ 1 lần với mức 3,710 triệu đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19. Và hỗ trợ một lần 3,710 triệu đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của dịch.
“Cuối cùng là chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh. Theo đó, nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ, và chỉ hỗ trợ 1 lần. Nhóm chính sách tiếp theo là chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó doanh nghiệp được vay để trả lương với lãi suất 0%. Cuối cùng là nhóm chính sách đối với lao động tự do. Theo đó, căn cứ vào ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người, hoặc không được thấp hơn 50 nghìn đồng/người/ngày”, ông Dung nói.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, gói chính sách hỗ trợ trên có giá trị 26 ngàn tỷ đồng.
Hai kịch bản tăng trưởng
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao. Theo đó, kịch bản 1 xác định để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm). Đối với kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, thì quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).
Làm rõ thêm vấn đề trên, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 1/7, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Thế Phương, kịch bản 1 đạt được khi dịch Covid-19 được khống chế trong tháng 7/2021, còn kịch bản 2 đạt được khi dịch được khống chế ngay trong tháng 6/2021.