Chủ tịch MTTQ tỉnh Bình Thuận phản ánh trước Quốc hội việc ngư dân hiện nay ra khơi bám biển cầm chừng, hoặc nằm bờ do giá dầu tăng hoặc thu không đủ để bù chi vào đầu vào.
Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
ĐB Lê Anh Tuấn, (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, gỡ bỏ thẻ vàng Ủy ban châu Âu đối với ngành thuỷ sản Việt Nam là một trong những vấn đề đối ngoại mà chúng ta cần nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả. Bởi vì nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ gây ra những tác động không nhỏ đối với hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như những thiệt hại về kinh tế trong lĩnh vực thủy sản, tác động trực tiếp đến đời sống sinh kế của một bộ phận ngư dân Việt Nam.
Theo ông Tuấn, tình trạng ngư dân Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp không được báo cáo và không được kiểm soát đã diễn ra nhiều năm. Tháng 5/2017, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo và yêu cầu ngăn ngừa và loại bỏ tình trạng này. Đến tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu đã chính thức áp dụng thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam với lý do là những nỗ lực của Việt Nam là chưa đủ và chưa hiệu quả. Trước tình hình đó, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ nhưng thẻ vàng của Ủy ban châu Âu vẫn chưa được gỡ bỏ.
Thậm chí, ông Tuấn lo ngại với các vụ việc vi phạm gần đây của tàu cá Việt Nam ở một số vùng biển có thời điểm có thể dẫn đến việc Ủy ban châu Âu sử dụng thẻ đỏ đối với ngành thủy sản. Nếu như vậy thì tất cả các sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU và rất có thể cũng bị nhiều nước khác trên thế giới áp dụng tương tự. Khi đó thiệt hại kinh tế là sẽ rất lớn.
Trước tình hình trên, ông Tuấn đề xuất Chính phủ tiếp tục tăng cường quản lý tàu cá, ngư dân, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của ngư dân và các cơ quan quản lý, các lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển về thực trạng các ranh giới biển.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đàm phán hoạch định vùng với các nước liên quan để sớm có đường phân định cuối cùng hoặc thỏa thuận áp dụng giải pháp tạm thời hợp tác phát triển chung vùng chồng lấn đảm bảo công bằng về quyền và nghĩa vụ cho các bên, sớm đạt được thỏa thuận bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên sinh vật trong các vùng đặc quyền kinh tế biển cả. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần có phản ứng kịp thời để đấu tranh thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân.
Theo ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau), tuy có vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, nhưng các biến đổi về kinh tế luôn làm ảnh hưởng đến ngành. Chẳng hạn, chi phí đầu vào của ngành luôn biến động ở mức cao như phân bón, vật tư nông nghiệp, vật tư nuôi trồng thủy sản, thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó, nhu cầu về vật tư nông nghiệp ngày càng cao do phải xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối lập với các yếu tố đầu vào tăng cao, giá cả đầu ra luôn ở mức thấp do điều kiện kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm, chi thắt chặt chi phí. Sự đối lập này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp.
Do hiệu quả sản xuất thấp, thậm chí là lỗ nên đời sống của người dân gắn với sản xuất nông nghiệp bấp bênh, gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ông Hận kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Qua đó tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cạnh tranh về giá, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm để từ đó tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
ĐB Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch MTTQ tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, phát triển ngành kinh tế thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy nhiên, giá xăng dầu, đặc biệt là giá dầu tăng khá cao. “Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, trích lập quỹ bình ổn xăng dầu phù hợp và làm giảm đáng kể áp lực đầu vào, hỗ trợ tiêu dùng nhưng ngư dân hiện nay ra khơi bám biển còn cầm chừng hoặc là nằm bờ, do giá dầu tăng hoặc thu không đủ để bù chi vào đầu vào. Do đó, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho ngư dân”-Chủ tịch MTTQ tỉnh Bình Thuận nói trước Quốc hội.