Sẽ điều chỉnh phương án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đặc biệt sẽ giảm 52,04 nghìn ha đất trồng lúa.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đồng tình với đề xuất
của Chính phủ về việc giảm đất lúa.
Trong đó, có khoảng 400 nghìn ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Đến năm 2020, đất giao thông của cả nước sẽ là 779,10 nghìn ha (không bao gồm diện tích đất hành lang giao thông), tăng 87,91 nghìn ha so với năm 2015 và cao hơn 22,10 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (757,00 nghìn ha). |
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày cho biết, theo quy hoạch được Quốc hội quyết định đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.812,43 nghìn ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên là 3.221,91 nghìn ha. Vì vậy, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.760,39 nghìn ha, giảm 52,04 nghìn ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước giảm 92,95 nghìn ha.
Trong số 3.760,39 nghìn ha được giữ lại, có khoảng 400 nghìn ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh diện tích đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, hiện nay, nguồn cung gạo trong nước đang dư thừa, thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp do một số quốc gia là bạn hàng truyền thống nhập khẩu gạo của Việt Nam dần tự chủ được sản xuất lương thực. Diện tích đất trồng lúa mà Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng chủ yếu là phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Về diện tích điều chỉnh giảm 52,04 nghìn ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm 92,95 nghìn ha là diện tích đất thường xuyên bị hạn hán, nhiễm mặn, ngập lụt và đất bị thoái hóa sản xuất lúa kém hiệu quả so với các cây trồng khác nhất là chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm tại các vùng như sau: Vùng Đồng bằng sông Hồng giảm khoảng 19 nghìn ha tập trung tại các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…
Phần diện tích chuyển đổi phần lớn là diện tích thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn do chịu tác động của của biến đổi khí hậu, không thể tiếp tục trồng lúa hoặc trồng lúa hiệu quả thấp.
Với diện tích đất trồng lúa còn lại cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, diện tích gieo trồng lúa dự kiến đạt trên 7 triệu ha, năng suất lúa bình quân hàng năm khoảng 60 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 42 triệu tấn/năm, với sản lượng này sẽ bảo đảm an ninh lương thực hiện tại, ngay cả khi dân số tăng và giữ ổn định ở mức 120 triệu dân trong tương lai.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sẽ chỉ đạo, sớm phân khai các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia cho các địa phương; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện tốt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia.